Vingroup điều chỉnh room ngoại từ 41% xuống 40% |
VSD cho biết, việc điều chỉnh này là căn cứ theo Công văn số 7897/UBCK-QLCB ngày 29/11/2018 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Công văn số 1016/2018/VC-TGĐ-VINGROUP về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài của mã chứng khoán VIC.
Tại ĐHĐCĐ của Vingroup được tổ chức hồi tháng 5 vừa qua, cổ đông đã phê duyệt chủ trương rút các ngành, nghề kinh doanh của Vingroup có tỷ lệ hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dưới 49% theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam và/hoặc pháp luật Việt Nam có liên quan (ngành nghề kinh doanh hạn chế). Đồng thời phê duyệt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa tại Vingroup sau khi rút các ngành nghề kinh doanh hạn chế là 49%. Thông qua việc sửa đổi Điều lệ của Tập đoàn do rút các ngành nghề kinh doanh hạn chế.
Trên thực tế, việc phong tỏa room ngoại cũng như điều chỉnh room ngoại thường liên quan đến các đợt phát hành cổ phiếu cũng như các đợt phát hành trái phiếu có chuyển đổi, đối tượng mua thường có liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài.
Gần đây, Vingroup đã công bố việc chuẩn bị chào bán trái phiếu ra công chúng với số lượng phát hành là 20 triệu trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng.
Mục đích của đợt phát hành trái phiếu này nhằm cơ cấu lại các khoản nợ của Tổ chức phát hành, lành mạnh hóa các chỉ tiêu tài chính. Trước mắt, Vingroup sẽ thanh toán gốc trái phiếu VIC11504 vào ngày 27/12 với số tiền 1.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để thanh toán gốc trái phiếu VIC11707 vào ngày 28/2/2019.
Đáng chú ý, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch vào tháng 10 đã công bố báo cáo xếp hạng Tập đoàn Vingroup với việc giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm của Vingroup là B+, nhưng hạ triển vọng từ Ổn định xuống Tiêu cực.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vingroup, điều này đã nằm trong dự liệu của Tập đoàn.
L.L