Theo quan sát, trong giai đoạn nói trên, thị giá cổ phiếu EIB trải qua nhiều phiên tăng giảm đan xen, dao động trong vùng 18.700-20.200 đồng/cp, nhưng lại không có phiên nào đóng cửa cao hơn giá mục tiêu bình quân mà Eximbank công bố trước đó là 20.199 đồng/cp.
Eximbank chưa bán cổ phiếu quỹ vì thị giá thấp hơn kỳ vọng. (Ảnh: Int) |
Được biết, kế hoạch xử lý 6,09 triệu cổ phiếu quỹ được đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua tại phiên họp thường niên giữa tháng 4/2023. Eximbank có 2 phương án xử lý cổ phiếu quỹ là bán hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng. Tuy nhiên, khi đó, HĐQT cho biết ngân hàng vừa mới phát hành xong cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và cũng có kế hoạch và phương án tăng thêm vốn điều lệ nên việc chọn bán cổ phiếu quỹ là phù hợp.
Đây là toàn bộ khối cổ phiếu được ngân hàng mua lại làm cổ phiếu quỹ trong giai đoạn 2/1-16/1/2014 và nắm giữ cho đến hiện tại. Trong bản công bố thông tin giao dịch, ngân hàng cho biết mục đích bán cổ phiếu quỹ là để bổ sung vốn kinh doanh. Theo kế hoạch, trong mỗi ngày giao dịch, Eximbank sẽ đặt bán tối thiểu từ 3% và tối đa là 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Chốt phiên 20/2, thị giá cổ phiếu EIB ở mức 18.650 đồng/cp, giảm 0,8% so với tham chiếu và nối dài mạch giảm nhẹ phiên thứ 3 liên tiếp. Vốn hoá thị trường tính theo thị giá hiện tại đạt 32.467 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, năm 2023, Eximbank báo lãi giảm và nợ xấu tăng. Cụ thể, lãi ròng năm 2023 sụt giảm 27% so với cùng kỳ, về còn 2.165 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Eximbank tăng 9% so với đầu năm, lên mức 201.416 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 8% khi chiếm 140.448 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng chỉ tăng 5% lên mức 156.329 tỷ đồng.
Chất lượng nợ vay của Eximbank đi lùi khi tổng nợ xấu tính đến 31/12/2023 chiếm đến 3.726 tỷ đồng, tăng mạnh 59% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ gấp 3 lần đầu năm lên 1.412 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 1,8% đầu năm lên 2,65%.
Đáng chú ý, việc Eximbank báo cáo kết quả kinh doanh kém tích cực trong bối cảnh nhân sự thượng tầng vẫn còn nhiều biến động.
Theo đó, ông Trần Tấn Lộc, thành viên HĐQT vừa được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT từ ngày 25/1. Trước đó, vào tháng 10/2023, ông Trần Tấn Lộc đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Eximbank để tập trung vào nhiệm vụ tại HĐQT. Ông Nguyễn Hoàng Hải được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc.
Ngoài ra, ngày 31/1, bà Lê Thị Mai Loan đã có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT vì lý do cá nhân.
Tại đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank diễn ra ngày 14/2/2023, bà Lê Thị Mai Loan được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025). Sau đó, bà Loan được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Eximbank kể từ ngày 27/2/2023.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng, bà Loan nộp đơn xin từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Eximbank kể từ ngày 17/4/2023. Bất ngờ, sau đó HĐQT Eximbank bầu lại bà Loan vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Eximbank kể từ ngày 25/5/2023, chỉ sau hơn 1 tháng từ nhiệm.
Châu Anh