Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/5 cho đến khi có quyết định khác thay thế.
Eximbank liên tục thay đổi "thượng tầng". (Ảnh: Int) |
Trước đó, tại ĐHCĐ bất thường ngày 14/2 vừa qua, Eximbank đã thông qua bầu bà Loan cùng ông Phạm Quang Dũng (TGĐ Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Mỹ); ông Trần Anh Thắng (Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm TGĐ Chứng khoán Nhất Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Amber Capital Holdings, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước) làm thành viên HĐQT mới nhiệm kỳ VII (2020-2025).
Đồng thời, thông qua việc miễn nhiệm bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại, theo đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân. Đây là 2 thành viên có liên quan đến Tập đoàn Thành Công.
Liên quan đến việc thay đổi nhân sự cấp cao, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023 gần đây, Eximbank cũng đã thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng (theo đơn từ nhiệm ngày 5/4). Đồng thời, bầu bổ sung 1 thành viên Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ VII (2020-2025).
Thời điểm tham gia HĐQT Eximbank, ông Nguyễn Hiếu là thành viên HĐQT Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Ông được đề cử bởi nhóm cổ đông lớn gồm các quỹ Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited, ông Trần Công Cận và bà Ngô Thu Thúy, Chủ tịch HĐQT CTCP Âu Lạc. Năm 2022, Âu Lạc đã bán cổ phiếu Eximbank.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng là thành viên HĐQT Bamboo Capital (BCG). Tại ĐHCĐ, bà Doãn Hồ Lan được bầu bổ sung vào BKS, với chức danh thành viên BKS không chuyên trách. Như vậy, sau 2 ĐHCĐ, Eximbank đã thông qua sự thay đổi lớn ở “thượng tầng”, với nhiều thành viên HĐQT mới.
Đến nay, cuộc chiến quyền lực tại Eximbank được xem là đã chấm dứt sau khi một số nhóm cổ đông lớn rút lui trong năm qua, trong đó có nhóm Thành Công và SMBC của Nhật. Thay vào đó là sự xuất hiện của nhóm Bamboo Capital.
Trên thị trường, trong năm 2022, Eximbank ghi nhận nhiều đợt chuyển nhượng cổ phiếu quy mô lớn. Mỗi đợt vài chục triệu cho tới cả trăm triệu cổ phần được chuyển nhượng, đánh dấu sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn chưa từng có.
Nhìn về tình hình kinh doanh, Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 cho thấy, kết quả kinh doanh đi xuống, song lợi nhuận trước thuế tăng so với cùng kỳ nhờ giảm dự phòng.
Đáng chú ý, chất lượng nợ vay của Eximbank suy giảm rõ rệt. Tính tới ngày 31/3/2023, nợ nhóm 1 của Eximbank đạt 125.119,1 tỷ đồng, giảm 1,3% so với hồi đầu năm; nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng 42,3% lên mức 1.907 tỷ đồng; nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng tới 145,6% lên mức 650 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 10,5% lên mức 497,7 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 16,4% đạt mức gần 1.899,7 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này tăng từ 1,80% lên mức 2,34%.
Kết quả này khiến tổng nợ xấu của Eximbank đạt 3.047,3 tỷ đồng, tăng 29,8% so với hồi đầu năm.
Về dòng tiền, Eximbank ghi nhận âm gần 708 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 659,7 tỷ đồng. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Eximbank tính đến ngày 31/3/2023 âm 422,6 tỷ đồng và dòng tiền hoạt động đầu tư âm 285,3 tỷ đồng.
Châu Giang