Mới đây, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group – mã: OGC) đã công bố Nghị quyết HĐQT điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu hợp nhất từ 1.393 tỷ đồng xuống 1.172 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm từ 186 tỷ đồng xuống 58 tỷ đồng; tương ứng tỷ lệ giảm 15,8% và 69%.
Dẫu giảm mạnh kế hoạch kinh doanh nhưng khả năng hoàn thành của Ocean Group vẫn rất khó.
Khả năng hoàn thành thấp
Ocean Group quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 dù đạt gần 429 tỷ đồng doanh thu hợp nhất nhưng lợi nhuận sau thuế âm gần 9,5 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế của công ty lên 2.899 tỷ đồng gần vượt vốn điều lệ (3.000 tỷ đồng).
Số lỗ này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (288 tỷ đồng), nhưng Ocean Group mới chỉ thực hiện được 37% kế hoạch doanh thu so với kế hoạch điều chỉnh và 31% kế hoạch doanh thu trước đó.
Một gương mặt của sàn UPCoM cũng góp mặt trong danh sách những doanh nghiệp (DN) niêm yết bất ngờ giảm mục tiêu kinh doanh khi chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2018, đó là CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (mã:AFX).
Theo đó, công ty này đã có văn bản xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu giảm 12% xuống 1.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế điều chỉnh giảm hơn 60% xuống còn 6 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2018, công ty mới đạt 415 tỷ đồng doanh thu thuần và 661 triệu đồng lãi sau thuế, bằng 41,5% kế hoạch doanh thu và 11% kế hoạch lãi ròng (sau điều chỉnh).
Tất nhiên, nhìn vào những gì đã thực hiện được không khó để thấy khả năng hoàn thành mục tiêu dù đã điều chỉnh của DN này là “bất khả thi”.
Quay trở lại với trường hợp của Ocean Group, việc điều chỉnh kết quả kinh doanh được công ty công bố khi quý III/2018 chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc gây thất vọng cho nhà đầu tư.
Trước đó, tại BCTC soát xét 6 tháng đầu năm, Ocean Group vẫn tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh 2018 khi nhiều công nợ vẫn chưa thu hồi được, thậm chí kiểm toán viên còn bày tỏ nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Ocean Group do tài sản ngắn hạn của công ty nhỏ hơn nợ ngắn hạn và lỗ lũy kế 2.884 tỷ đồng (31/12/2017).
Nhiều doanh nghiệp niêm yết đang điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm theo hướng giảm do khó khăn |
Bất bình thường
Thông thường, khi những thông tin điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh doanh được đưa ra, giá cổ phiếu của các DN này sẽ bị tụt giảm, nhưng đối với các DN vừa công bố thì lại hoàn toàn ngược lại.
Kể từ khi công bố thông tin ngày 27/9 tới nay, cổ phiếu OGC đã liên tiếp tăng giá, từ mức 3.040 đồng lên 3.200 đồng/cp (phiên 4/10), tương đương mức tăng đạt gần 5,2% chỉ trong vài phiên giao dịch, tăng gấp rưỡi so với đầu năm.
Trong khi đó, dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan, cổ phiếu IBC của Apax Holdings vẫn vững vàng tại mức giá 24.000 đồng/cp, những phiên giao dịch gần đây thậm chí còn tăng giá lên 24.200 đồng/ cp (đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/10).
Trong số này chỉ có cổ phiếu AFX của Nông sản Thực phẩm An Giang là giảm gần 9,7% từ mức 3.100 đồng xuống còn 2.800 đồng/cp trong vòng nửa tháng qua. Tuy nhiên, so với biên độ sàn UPCoM thì lượng giảm này cũng chưa đáng kể.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/10 , chỉ số Vn-Index tăng 3,22 điểm (0,32%) lên 1.023,62 điểm; HNX-Index tăng 0,98 điểm (0,85%) lên 116,27 điểm và UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (0,2%) lên 54,51 điểm.
Về mặt lý thuyết, thị trường “hưng phấn” do kinh tế tăng trưởng tốt kéo theo hoạt động DN tốt, thị giá cổ phiếu tăng là do kỳ vọng của nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh của DN.
Vì vậy, việc nhiều DN điều chỉnh kết quả kinh doanh giảm do khó khăn gây khó hiểu cho các nhà đầu tư, hay nói cách khác đây là động thái bất bình thường.
Theo một chuyên gia kinh tế, DN thực chất không cần phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh mà nên giữ nguyên xem thực hiện được đến đâu, từ đó rút kinh nghiệm trong quản trị, định hướng mục tiêu.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh chỉ là một hình thức hợp thức hóa năng lực yếu kém của lãnh đạo, bởi khi đặt mục tiêu lạc quan, đưa ra con số làm đẹp lòng cổ đông nhưng không thể ứng phó với những rủi ro quá lớn và vượt lên.
Các DN cần có kỹ năng quản trị rủi ro tốt hơn thay vì tính toán điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm bao nhiêu, gây thất vọng cho nhà đầu tư.
Thực tế, không phải DN nào thông báo điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cũng là giảm, mà vẫn có các DN điều chỉnh do yếu tố ngành diễn biến khác xa dự báo đầu năm hoặc bán được tài sản tạo lợi nhuận đột biến như CTCP Văn hóa Phương Nam (mã: PNC) hay CTCP Tập đoàn Dabaco (mã: DBC).
Linh Đan