Theo tiêu chí của MSCI, Việt Nam vẫn còn 7/17 tiêu chí cần phải cải thiện để được nâng hạng lên thị trường mới nổi. |
Bà Bình cho biết, trong 20 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển trong thời gian tới đây, đặc biệt là việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, mà chính là các doanh nghiệp đại chúng.
“Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng”, bà Bình nhấn mạnh.
Hiện, trong số các tổ chức xếp hạng thị trường uy tín, MSCI vẫn xếp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên, trong khi FTSE Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.
Theo bộ tiêu chí FTSE Russell (cập nhật tháng 9/2020), thị trường chứng khoán Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng.
Hai tiêu chí đang gặp khó là “chu kỳ thanh toán-DvP” đang bị đánh giá “hạn chế” do nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh và “thanh toán - tỷ lệ hiếm khi giao dịch thất bại” không được đánh giá do yêu cầu thanh toán (ký quỹ trước) hiện tại dẫn tới việc khả năng giao dịch thất bại gần như không tồn tại.
Còn xét theo tiêu chí của MSCI, Việt Nam vẫn còn 7/17 tiêu chí cần phải cải thiện. Nếu so với Kuwait mới được nâng hạng năm 2020, Việt Nam vẫn còn 5 tiêu chí còn phải cải thiện để có thể nâng hạng.
Trong báo cáo tháng 6/2020, các tiêu chí mà Việt Nam cần cải thiện gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện; Thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi room khối ngoại; Quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan thông tin tiếng Anh và room sở hữu; Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; Đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận của VSD (Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam); Quy định thị trường và dòng thông tin bằng tiếng Anh và Thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền.
Tại báo cáo này, MSCI đã có điều chỉnh trong đánh giá về Việt Nam đối với mục thanh toán bù trừ (Clearing and settlement). Theo đó, MSCI bỏ nhận định: “Không có cơ sở thanh toán bù trừ chính thức và VSD đóng vai trò là đại lý thanh toán bù trừ”.
Theo bà Bình, từ ngày 1/12/2020, việc MSCI đưa Kuwait lên thị trường mới nổi là một yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi trở thành thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index.
Các quỹ chuyên đầu tư vào khu vực cận biên (Frontier Markets) như: Schroder ISF Frontier Markets Fund, Coeli Frontier Markets Fund, T.Rowe Price Frontier Markets Fund đang gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá cao hơn sẽ là một yếu tố thuận lợi cho tiến trình nâng hạng thị trường.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2021, hệ thống văn bản pháp luật mới về chứng khoán, đầu tư, doanh nghiệp đều cùng có hiệu lực. Các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và hoàn thiện với không gian mở hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
"Nâng hạng hay nâng tầm thị trường chứng khoán là câu chuyện làm sao để tạo ra những thay đổi mang tính tổng thể và bền vững cả về góc độ mở cửa nền kinh tế, thị trường ngoại hối và chất lượng của các doanh nghiệp đại chúng, tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, tính minh bạch của thị trường.... Đó là đích đến và quá trình nỗ lực để tới đích sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư", bà Bình khẳng định.
M.Khuê