Các quỹ ETF vẫn sẽ được dòng vốn ngoại ưa thích trong năm 2020. |
Năm 2020 được xem là năm bùng nổ của các quỹ ETF nội với sự gia tăng cả về số lượng và quy mô, cùng với đó là hiệu quả đầu tư cao hơn so với thị trường chung cũng như các loại hình đầu tư khác.
Chính sự đơn giản, dễ tiếp cận giao dịch, chi phí thấp đã làm nên sức hấp dẫn của các quỹ này. Dự kiến, trong năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ ưa thích các sản phẩm ETF hơn so với các quỹ chủ động hiện nay.
Minh chứng rõ ràng nhất trong thời gian vừa qua là dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân Thái Lan đang tìm đến thị trường Việt Nam. Do vấn đề mở tài khoản cá nhân không quá thuận tiện, nên các nhà đầu tư này đang đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ.
Nổi bật trong số các quỹ này là K-Vietnam Equity Fund, ASP-Viet Fund, United Vietnam Opportunity Fund (UVO Fund), One Vietnam Fund, Krungsri Vietnam Equity Fund-A (KFViet-A Fund), Principal Vietnam Equity Fund…
Các quỹ Thái Lan trên có quy mô ở mức trung bình, dưới 2.000 tỷ đồng và hiện đang giải ngân khá nhiều vào các quỹ chuyên đầu tư vào thị trường Việt Nam như FTSE Vietnam ETF, Premia MSCI Vietnam ETF, JPMorgan Vietnam Opportunities Fund và đặc biệt là các quỹ ETF nội địa như VFMVN30 ETF, VFMVN Diamond ETF hay SSIAM VNFinlead ETF.
Việc đầu tư vào Việt Nam đã giúp các quỹ Thái Lan thu về hiệu suất khá tốt trong năm 2020 với mức tăng trưởng NAV/Shares hầu hết đều trên 12%. Trong đó, Principal Vietnam Equity Fund thậm chí có mức tăng trưởng NAV/Shares gần 21%. Đây là kết quả rất tích cực trong bối cảnh thị trường chứng khoán Thái Lan giảm sâu trong năm 2020 bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chỉ số SET-Index thậm chí giảm 8,25% trong năm qua.
Cũng theo ông Hạnh, hiện nay, số lượng các quỹ ETF vẫn đang ở mức thấp khi mới chỉ đạt dưới 10 quỹ. "Với quy mô gần 200 tỷ USD thị trường trong khi các quỹ ETF quy mô chưa tới 2 tỷ USD, dưới 1% thị trường là quá ít", ông Hạnh đánh giá.
Trong khi đó, tại các thị trường phát triển, ETF là lực lượng nắm giữ cổ phiếu lớn nhất thị trường và việc các quỹ này nắm giữ suốt vòng đời của chỉ số giúp giảm lượng cổ phiếu lưu hành đáng kể và làm thị trường chung rất ổn định trong thời gian dài.
"Khi dòng tiền vào các quỹ ETF ổn định, thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội tăng trưởng dài hạn rất nhiều năm thay vì biến động quá mạnh như hiện tại", ông Hạnh nói.
Thực tế, dù là "phao cứu sinh" của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng ETF lại khá mờ nhạt trong mắt các nhà đầu tư nội. Bởi bộ phận nhà đầu tư này vẫn có niềm tin tuyệt đối vào việc nếu chủ động đầu tư sẽ đạt điệu hiệu quả cao nhờ "lướt sóng" cổ phiếu ngay trong T+3 hoặc T+5.
Hơn nữa, nhà đầu tư nội địa cũng không thật sự so sánh hiệu quả bản thân mình với các quỹ ETF, mà chỉ xem với chỉ số Vn-Index, trong khi thời gian tương đối dài gần đây các quỹ ETF đều hiệu quả hơn chỉ số Vn-Index khá nhiều.
Do đó, các nhà đầu tư nội địa cần một thời gian dài nữa mới có thể tiếp cận được các sản phẩm ETF.
Ông Hạnh khẳng định, sau này, khi các quỹ hưu trí tự nguyện được đầu tư mở hơn và việc phân bổ tài sản của giới siêu giàu phát triển hơn thì các nhà tư vấn tài chính mới dịch chuyển một phần tài sản vào mua các sản phẩm cổ phiếu, lúc đó sản phẩm quỹ ETF luôn là lựa chọn số một cho họ. Vì thế, cần nhiều năm nữa để có thể phát triển được các sản phẩm này mạnh mẽ.
N.L