Theo thống kê của StockQ, Việt Nam là thị trường chứng khoán duy nhất của khu vực châu Á đóng cửa trong sắc xanh vào phiên cuối tuần (29/1) nhưng cũng không thể giúp Vn-Index thoát vị trí dẫn đầu trong danh sách những thị trường giảm mạnh nhất thế giới tuần qua (25-29/1).
Bốn phiên giảm liên tiếp đầu tuần đã khiến Vn-Index biến động mạnh, mất 9,44% so với tuần trước và rơi từ 1.166,78 điểm xuống 1.056,61 điểm. Cả tháng đầu năm chỉ số đã mất 3,9% và cũng nằm trong nhóm 10 thị trường diễn biến tiêu cực nhất.
"Cơn địa chấn" bất ngờ
Dù không cán mốc liên tiếp 5 phiên mất điểm trong một tuần như thời gian trước đó nhưng tuần giao dịch vừa qua lại giữ kỷ lục là tuần mất điểm nhiều nhất. Chỉ số Vn-Index đã xuyên thủng đát 1.100 điểm và tiến sát xuống đáy 1.020 điểm trước khi tăng trở lại vào cuối tuần.
Phiên giảm điểm lịch sử ngày 28/1 với 73,23 điểm "bốc hơi" của Vn-Index đã được đại diện của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) lý giải nguyên nhân là do tổng hòa nhiều yếu tố.
Dù thị trường vẫn còn khá nhiều u ám nhưng cũng không khiến các nhà đầu tư thôi kỳ vọng. |
Trong đó, yếu tố chủ đạo là thị trường đã tăng dài và mạnh suốt thời gian qua, do đó đã điều chỉnh khá mạnh những phiên gần đây, đặc biệt là khi tiến tới đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Cùng với đó, thị trường cũng có phần chịu sự tác động từ xu thế chung của thị trường thế giới khi thị trường Mỹ giảm mạnh đã nhanh chóng ảnh hưởng tới thị trường châu Á.
Ngoài ra, thông tin về số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng xuất hiện tại Quảng Ninh, Hải Dương,… đã tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư. Chính luồng thông tin này đã khiến thị trường gia tăng nhanh chóng áp lực bán tháo, làm hàng loạt cổ phiếu giảm sàn “vô điều kiện”.
Theo nhà đầu tư Minh Hải (Thanh Xuân, Hà Nội): "Tôi đã quyết định bán hết danh mục trong phiên giao dịch ngày 18/1 vì không thể chịu nổi áp lực việc tài khoản bốc hơi, tôi mất toàn bộ số lãi từ tháng 10/2020 và âm thêm gốc 150 triệu. Dù phiên cuối tuần hồi phục nhưng tôi vẫn không tham gia để đầu óc thảnh thơi, sang tuần mới tính tiếp".
Thực tế này cho thấy, đến một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm như anh Hải còn cảm thấy "choáng váng" với diễn biến thị trường thời gian qua thì đối với các nhà đầu tư mới gia nhập hay còn gọi là F0 thì đây đúng là một cú sốc, một bài học lớn.
Nếu tính cả phiên giao dịch ngày 18/1 thì chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2021, thị trường chứng khoán đã chứng kiến 3 lần lao dốc mạnh. Lần đầu tiên là ngày 19/1 khi Vn-Index có lúc giảm hơn 75 điểm chỉ trong phiên sáng, số điểm giảm mạnh nhất trong vòng 20 năm thị trường chứng khoán hoạt động, sau đó chốt phiên chiều bằng việc chính thức giảm gần 61 điểm; lần thứ hai diễn ra vào hôm 26/1, Vn-Index "bốc hơi" gần 40 điểm.
Nhìn vào những biến động này có thể thấy, hành trình vươn tới "cột mốc" tươi sáng 1.200 điểm thực chất là còn khá gập ghềnh với nhà đầu tư. Tính từ ngày 18/1 đến nay, Vn-Index đã rơi mất hơn 135 điểm, khiến không ít nhà đầu tư bị thua lỗ nặng.
Vẫn còn nhiều kỳ vọng
Nhận định về xu hướng thị trường trong bối cảnh hiện nay, đại diện UBCKNN cho rằng, trong ngắn hạn thị trường vẫn có thể còn chịu áp lực giảm điểm bới diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh nên tâm lý thận trọng vì thế vẫn còn.
Dù thị trường vẫn đang trong trạng thái khá u ám nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn đặt hy vọng "Nếu không có cảnh đông tàn, làm sao có cảnh huy hoàng ngày xuân". Kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở bởi ngay trong sự hoảng loạn của thị trường tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài lại có động thái tích cực gom hàng với hơn 1.200 tỷ đồng trên HoSE và HNX.
Đáng chú ý, ngay trong bối cảnh thị trường liên tiếp giảm sâu thì thị trường vẫn thể hiện được sự sôi động khi có khá nhiều nhà đầu tư đeo khẩu trang đi mở mới tài khoản, nộp tiền, dòng tiền "trú ngụ" tại các công ty chứng khoán vẫn đang chờ cơ hội.
Theo ông Phan Lê Thành Long- Chuyên gia tài chính AFA Research & Education, hiện tại, có hai yếu tố chính mà nhà đầu tư nên quan tâm đó là triển vọng nền kinh tế và triển vọng doanh nghiệp.
Trong năm nay, Việt Nam sẽ ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển trở lại, từ đó các doanh nghiệp dẫn đầu ngành đã bắt đầu phục hồi nửa cuối 2020 đến này và đang trên đà tăng trưởng mạnh trong tương lai. Đây sẽ là những động lực chính mang tính tác động trong dài hạn cần lưu ý.
Đồng quan điểm nhận định của Dragon Capital cũng cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam đã có kinh nghiệm ngăn chặn Covid-19, việc đóng cửa một số thành phố lớn (nếu có) thường là dấu hiệu thị trường bắt đầu tạo đáy. Mặt khác, hai ngày nghỉ cuối tuần là đủ dài để giúp nhà đầu tư bình tĩnh hơn.
Theo thống kê lịch sử, khi tổng dư nợ vay ký quỹ giảm 15-18%, thị trường sẽ tạo đáy. Dragon Capital nhận định điều này sẽ xảy ra trong thời gian ngắn tới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trong hai ngày gần đây sau nhiều phiên bán ròng trước đó cũng là tín hiệu tích cực.
Dragon Capital cho rằng khi làn sóng đại dịch Covid-19 mới xảy ra gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ tiếp tục được nới lỏng và lãi suất tiền gửi có thể sẽ được điều chỉnh giảm. Từ đó thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán.
Minh Khuê