Mới nhất, ngày 24/5, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd bán ra 1.338.300 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 8,08% về còn 7,99% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ thực hiện bán là Arisaig Asia Fund Limited để giảm sở hữu từ 6,54% về còn 6,45% vốn điều lệ.
Thời gian gần đây, các quỹ ngoại thay nhau thoái vốn khỏi Thế giới Di động. (Ảnh: Int) |
Trước đó, ngày 11/4, quỹ Arisaig Asia Fund Limited đã bán ra 2.397.200 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu.
Ngày 3/4, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital cũng bán ra 979.600 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 8,01% về còn 7,94% vốn điều lệ (Quỹ Amersham Industries Limited bán ra 1 triệu cổ phiếu và quỹ Hanoi Investments Holdings Limited mua vào 20.400 cổ phiếu).
Động thái gây chú ý của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MWG có diễn biến kém khả quan.
Cụ thể, từ ngày 15/4/2022 đến ngày 30/5/2023, cổ phiếu MWG vẫn đang trong xu hướng giảm, tương ứng giảm 50,5% từ đỉnh 79.580 đồng về 39.400 đồng/cp. Đáng chú ý, giai đoạn đầu năm 2023, thị trường ghi nhận đà hồi phục nhưng cổ phiếu MWG gần như là vẫn đi ngang, cho thấy xu hướng của cổ phiếu đang yếu hơn thị trường chung.
Bên cạnh đó, kinh doanh của doanh nghiệp đang có dấu hiệu lao dốc. Thế giới Di động vừa công bố ước tính doanh thu 4 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 36.847 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ và hoàn thành 27% so với kế hoạch năm (kế hoạch doanh thu 135.000 tỷ đồng).
Trước đó, trong báo cáo tài chính quý I/2023, doanh nghiệp ghi nhận quý kinh doanh với lợi nhuận hợp nhất thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, doanh thu thuần đạt hơn 27.105 tỷ đồng (giảm 28%), lợi nhuận đạt 5.214 tỷ đồng (giảm 36%). Nếu so với thời điểm này năm ngoái, lợi nhuận giảm ròng hơn 2.900 tỷ đồng.
Dù các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm khoảng 19% nhưng sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận sau thuế của Thế giới Di động chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng (giảm gần 99%).
Với kết quả lợi nhuận trên, doanh nghiệp ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng âm trong bối cảnh các ngành hàng ICT đều có sức cầu yếu. Ngoài ra, đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất mà nhà bán lẻ này ghi nhận được kể từ khi niêm yết. Tính từ thời điểm MWG niêm yết trên sàn HoSE (năm 2014) tới nay, chưa quý nào lợi nhuận trong một quý của doanh nghiệp này đạt dưới 21 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của MWG đã giảm 3,4% so với đầu năm, xuống còn 53.919 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là hàng tồn kho với giá trị 20.957 tỷ đồng, tương đương gần 39% tổng tài sản. Số dư tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn là 19.809 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản. Giá trị tài sản cố định 9.102 tỷ, chiếm 17% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính quý I/2023 của MWG là biến động bất thường về mặt nhân sự. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3, số lượng nhân viên giảm gần 6.000 người so với thời điểm đầu năm. Đây là quý thứ 2 liên tiếp, công ty này cắt giảm lượng lớn nhân viên trong bối cảnh sức mua của thị trường bán lẻ suy yếu.
Được biết, năm 2023, Thế giới Di động đặt mục tiêu doanh thu 135.000 tỷ đồng (tăng 1%) và lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng (tăng 2%). Như vậy, kết thúc quý đầu tiên, Thế giới Di động mới hoàn thành 0,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, quy mô nhân sự của MWG đã bị thu hẹp còn hơn 73.200 nhân viên. Điều này đồng nghĩa chỉ trong vòng 3 tháng, MWG đã cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, tương đương 4% nhân sự.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 quý gần đây, số lượng nhân sự của MWG đã giảm gần 13.000 người, đưa quy mô nhân sự về mức tương đương cuối năm 2021.
Theo Thế giới Di động, doanh nghiệp không có chủ trương thực hiện kế hoạch sa thải nhân viên. Như vậy, việc nhân viên nghỉ việc đặt ra câu hỏi: rất có thể nhân viên nghỉ hàng loạt có thể bắt nguồn từ chính sách lương, thưởng có vấn đề. Theo báo cáo tài chính 2022, khoản thưởng cuối năm phải trả nhân viên là 1.565 tỷ đồng, giảm 45% so với số liệu ghi nhận hồi đầu năm. Lũy kế cả năm 2022, chi phí dành cho nhân viên đạt gần 9.500 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ.
Cũng trong quý I vừa qua, chi phí nhân viên là một trong những khoản mục biến động mạnh nhất trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp khi ghi nhận giảm khoảng 900 tỷ đồng so với cùng kỳ, từ hơn 3.000 tỷ đồng còn hơn 2.100 tỷ đồng.
Có thể nói, việc giảm lương thưởng, thậm chí cắt luôn chính sách chia thưởng cổ phiếu ESOP bắt nguồn từ những khó khăn mà doanh nghiệp này đang phải đối mặt.
Châu Giang