Dragon Capital đã giảm sở hữu tại Thế giới Di động xuống còn 7,94% vốn điều lệ trước thềm ĐHĐCĐ. |
Đáng chú ý, động thái thoái vốn của quỹ ngoại này diễn ra trước ngày Thế giới Di động dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (8/4).
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của “đại gia” ngành bán lẻ này vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 19.010 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ và hoàn thành được 14% kế hoạch doanh thu năm (kế hoạch doanh thu 135.000 tỷ đồng).
Đáng chú ý, Thế giới Di động không công bố lợi nhuận trong 2 tháng đầu năm 2022. Trong khi trong các báo cáo theo tháng năm 2022, TGDĐ liên tục công bố doanh thu và lợi nhuận hàng tháng.
Đối với chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh, trong 2 tháng đầu năm, tổng doanh thu giảm 32% so với cùng kỳ.
Giới phân tích dự báo, khả năng phục hồi của hoạt động xuất khẩu sẽ thúc đẩy nhu cầu trên thị trường lao động và tiêu dùng trong nước từ quý II/2023. Dù vậy, tốc độ phục hồi lợi nhuận của các công ty bán lẻ sẽ chậm hơn so với tốc độ phục hồi của nền kinh tế, vì người tiêu dùng sẽ cần thời gian để tích lũy lại khoản tiết kiệm và lấy lại niềm tin vào sức mua của mình.
“Cùng với sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng sẽ có tác động không đồng nhất đến từng nhà bán lẻ Việt Nam. Các mặt hàng thiết yếu: ngành hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm... và những mặt hàng không thiết yếu đắt tiền vẫn sẽ bán tốt, ngược lại các sản phẩm không thiết yếu ở phân khúc trung cấp, đặc biệt là các thiết bị công nghệ vốn được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, có thể bị suy giảm tiêu thụ nặng nề nhất năm 2023.”, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Tương tự, SSI Research cho rằng, tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu sẽ vẫn ảm đạm, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023.
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 6/4, cổ phiếu MWG lùi về mức 39.100 đồng/cp, giảm khoảng 55% so với đỉnh cách đây một năm.
Châu Giang