Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng chấp thuận đề xuất của ông Lê Viết Hải về việc thành lập Hội đồng Sáng lập.
HĐQT Xây dựng Hòa Bình sẽ xem xét việc bổ nhiệm lại các chức danh trong ban điều hành tập đoàn theo đúng quy định của pháp luật.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải. (Ảnh: Int) |
Được biết, ông Lê Viết Hải sinh năm 1958 tại Thừa Thiên Huế. Năm 1987, ông Hải thành lập và làm giám đốc Văn phòng Xây dựng Hòa Bình. Tháng 12/2000, Văn phòng Xây dựng Hòa Bình chính thức đổi tên thành Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (tiền thân của Tập đoàn Hòa Bình hiện nay), ông Hải cũng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT từ đó đến nay.
Để phù hợp với tình hình hiện nay của tập đoàn và diễn biến mới của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, Tập đoàn đã thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập và thành viên Ủy ban Kiểm toán, là chủ tịch HĐQT kể từ ngày 14/12.
Mặc dù từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT nhưng ông Hải vẫn quản lý công ty, với danh nghĩa Chủ tịch hội đồng sáng lập.
Về kết quả kinh doanh của Tập đoàn,báo cáo hợp nhất cho thấy, trong quý III/2022, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.778 tỷ đồng, tăng tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng, tăng 2,4 lần, giúp biên lợi nhuận gộp đạt tới 7,46%, so với cùng kỳ năm trước chỉ 5,54%. Lãi ròng trong quý đạt 5,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,8%.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 10.904 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu tài chính tăng 3 lần lên 271 tỷ đồng. Nhưng chi phí tài chính ghi nhận 358 tỷ đồng, tăng 59%. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 92%, đạt 443 tỷ đồng. Tập đoàn cũng chịu khoản lỗ khác 23 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận gộp đạt 684 tỷ đồng, tăng 35% so với 9 tháng 2021. Lãi ròng 61 tỷ đồng, giảm 16%.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình là 18.683 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 15%, đạt 13.355 tỷ đồng, chiếm tới 71% tổng tài sản. Trong đó, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng thêm 12%, lên 415 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền cùng tiền gửi ngắn hạn ghi nhận gần 600 tỷ đồng, chiếm 3,2% tổng tài sản. Hàng tồn kho tăng 16% lên 2.793 tỷ đồng.
Kết thúc quý III/2022, nợ phải trả của Hòa Bình đạt 14.913 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Như vậy, 80% tài sản của Hòa Bình được hình thành từ nợ phải trả. Nợ vay cả ngắn hạn và dài hạn ghi nhận 6.566 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn 5.496 tỷ đồng và vay dài hạn 1.070 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu ghi nhận 3.770 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của 3,95 lần, tăng mạnh so với đầu năm (3,08 lần).
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 14/12, cổ phiếu HBC đang dừng ở mức 11.500 đồng/cp.
C.Giang