Bên cạnh sự suy giảm về hiệu quả mảng kinh doanh chính, Hòa Bình còn ghi nhận chi phí lãi vay tăng vọt 78% so với cùng kỳ lên 143 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 30% lên 122 tỷ đồng.
Điểm sáng hỗ trợ cho kết quả kinh doanh đến từ doanh thu tài chính gấp 2,8 lần cùng kỳ đạt 183 tỷ đồng, chủ yếu nhờ bán các khoản đầu tư chiếm 126 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn có thu nhập khác hơn 49 tỷ đồng từ tiền lãi chậm thanh toán.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Hòa Bình giảm 14% so với cùng kỳ về mức 50 tỷ đồng.
Quý II/2022, biên lãi gộp của Xây dựng Hòa Bình giảm nghiêm trọng từ 6,1% cùng kỳ về dưới 3,3%. |
Lũy kế từ 6 tháng đầu năm, Hòa Bình báo cáo doanh thu tăng trưởng 30% đạt 7.063 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 61 tỷ đồng, giảm 10% so với nửa đầu năm ngoái.
Được biết, năm 2022, công ty này đặt mục tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 17.500 tỷ đồng và 350 tỷ đồng. Như vậy, bán niên công ty đã đạt 40% tiến độ doanh thu và mới chỉ đạt 17% chỉ tiêu lợi nhuận.
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính của Hòa Bình cũng cho thấy, dòng tiền của công ty đang gặp vấn đề khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.364 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn dương 692 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu, vốn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản HBC ghi nhận mức tăng thêm hơn 1.050 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của HBC tăng khoảng 1.680 tỷ đồng so với đầu năm lên 18.255 tỷ, phần lớn mức tăng đến từ các khoản phải thu ngắn hạn (gần 13.000 tỷ đồng), trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng là 5.582 tỷ đồng và phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng hơn 5.297 tỷ đồng. Công ty cũng đã trích lập dự phòng 378 tỷ nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.
Nợ phải trả đến 30/6 của HBC là 14.332 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 89%, tương đương 12.865 tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm. Bên cạnh nợ phải trả các nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nợ vay đang chiếm tỷ lệ lớn nhất với 6.535 tỷ đồng, bao gồm 5.461 tỷ đồng vay ngắn hạn và 1.074 tỷ đồng vay dài hạn, cả hai khoản này đều tăng thêm so với cùng kỳ năm trước.
Việc vay nợ ở mức cao khiến Hòa Bình chịu áp lực lớn về chi phí lãi vay, riêng trong quý 2, chi phí lãi vay của công ty ở mức gần 148 tỷ đồng, vượt cả lợi nhuận gộp (134 tỷ đồng).
Trong khi đó, tính đến 30/6, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của công ty là 690 tỷ đồng, giảm hơn 115 tỷ đồng so với đầu năm.
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên ngày 27/7, cổ phiếu HBC đang giao dịch ở mức 20.550 đồng/cp.
Châu Giang