Nguyên nhân không đủ điều kiện ký quỹ chủ yếu là do thời gian niêm yết dưới 6 tháng, chứng khoán thuộc diện cảnh báo/kiểm soát/hạn chế/đình chỉ giao dịch, lợi nhuận trên báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023 là số âm. Một số khác bị cắt margin do báo cáo tài chính có ý kiến không phải là chấp nhận toàn phần của kiểm toán hay tổ chức niêm yết vi phạm pháp luật về thuế,...
Ngoài ra, một số chứng chỉ quỹ không đủ điều kiện ký quỹ do quỹ đầu tư đại chúng có tối thiểu một tháng có giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá, căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong 3 tháng liên tiếp.
87 mã chứng khoán bị HoSE cắt margin trong quý I/2024. (Ảnh: Int) |
Đáng chú ý, trong danh sách cắt margin trong quý I/2024 của HoSE, nhiều cổ phiếu đang ghi nhận đà tăng “nóng” trong thời gian gần đây. Có thể kể đến như: HAG, HNG, HVN, HBC, NVL, POM, OGC, DLG… Dù vậy, thực tế đa phần các cổ phiếu này đều đã có thời gian dài nằm trong “danh sách đen” của HoSE, thậm chí một số cổ phiếu còn đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết.
Việc các cổ phiếu này vẫn nổi sóng được cho là nhờ những câu chuyện riêng. Điển hình như trường hợp của HVN (Vietnam Airlines). Cổ phiếu này đang có hy vọng tiếp tục được ở lại sàn HoSE nhờ quy định "Trường hợp đặc biệt" trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, dù lỗ 3 năm liên tiếp thuộc trường hợp phải huỷ niêm yết bắt buộc.
Hay như trường hợp cổ phiếu HNG của HAGL Agrico. Cổ phiếu này đã ghi nhận 5 phiên tăng điểm liên tiếp (từ phiên 27/12/2023), trong đó có 4 phiên tăng hết biên độ. Giá theo đó tăng 34,3% sau 5 phiên. Cùng chiều đà tăng, thanh khoản mã này cũng cải thiện, đạt trung bình 12 triệu đơn vị được khớp lệnh trong mỗi phiên vừa qua.
Diễn biến tích cực này diễn ra sau khi HAGL Agrico công bố thông tin bất thường trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) về việc thành lập công ty con có vốn “khủng” tại Lào.
Trong khi đó, xét về hoạt động kinh doanh, HAGL Agrico ghi nhận doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2023 đạt 438 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Công ty vẫn lỗ ròng 446 tỷ đồng nhưng đã cải thiện nhiều so với mức lỗ nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm trước đó. Số lỗ lũy kế theo đó đã tăng lên 7.450 tỷ đồng.
Cũng chính vì thua lỗ liên tục, cổ phiếu HNG đã bị HoSE chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 12/4 và đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.
Đối với trường hợp cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Trong thời gian gần đây, HAGL liên tục tung ra những thông tin mới liên quan đến kế hoạch tăng vốn cũng như cách giải quyết bài toán triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh mới. Động thái này ít nhiều tạo kỳ vọng cho giới đầu tư, tác động tích cực đến thị giá cổ phiếu, đẩy giá cổ phiếu vượt mốc 10.000 đồng/cp sau hơn một năm giao dịch ở mức trà đá.
Đáng chú ý, trong 2 năm trở lại đây, HAGL liên tục báo lãi với số lợi nhuận lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi quý. Thế nhưng một điều lạ là công ty vẫn liên tục phải bán bớt tài sản để lấy tiền trả các khoản nợ tới hạn.
Châu Anh