Trong danh sách này, HoSE bổ sung cổ phiếu CAV của CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) vào danh sách do Sở vừa thông báo hủy niêm yết 57,6 triệu cổ phiếu CAV do công ty hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), ngày hủy niêm yết là 18/7, ngày giao dịch cuối cùng là 17/7.
Được biết, cổ đông công ty thông qua việc hủy tư cách công ty đại chúng của công ty. Theo đó, hủy hơn 57 triệu cổ phiếu đang niêm yết tại HoSE và hủy đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Tính đến hết ngày 18/6, có 85 mã chứng khoán bị HoSE cắt margin. |
Về phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông sau khi hoàn tất thủ tục hủy tư cách công ty đại chúng, hủy niêm yết cổ phiếu tại HoSE, hủy đăng ký chứng khoán của Công ty tại VSDC, Cadivi cho biết, đã chủ động đề nghị và làm việc trước với cổ đông lớn là Công ty cổ phần Điện lực Gelex (GEE), hiện đang sở hữu 96,46% vốn điều lệ Cadivi về việc cổ đông này cam kết mua lại toàn bộ số lượng cổ phiếu CAV mà các cổ đông còn đang nắm giữ nếu cổ đông còn lại có nhu cầu chuyển nhượng sau khi công ty hoàn tất thủ tục hủy tư cách công ty đại chúng, hủy bỏ niêm yết toàn bộ cổ phiếu CAV trên HoSE và hủy đăng ký chứng khoán của Công ty tại VSDC và Điện lực Gelex đồng ý với đề nghị nêu trên.
Về giá mua lại theo đàm phán và thống nhất giữa bên bán và bên mua tại thời điểm giao dịch, phù hợp với quy định pháp luật.
Với việc bổ sung thêm CAV, danh sách chứng khoán bị cắt margin trên HoSE tính đến hết ngày 18/6 là 85 mã chứng khoán.
Các lý do chủ yếu được HoSE cung cấp gồm: Chứng khoán thuộc diện cảnh báo/kiểm soát/hạn chế giao dịch; thời gian niêm yết dưới 6 tháng; lợi nhuận sau thuế kiểm toán của công ty mẹ năm 2023 là số âm, báo cáo kiểm toán có ý kiến của đơn vị kiểm toán...
Một số cái tên đáng chú ý trong danh sách như Công ty CP Bất động sản Thế kỷ (CRE) - nguyên nhân là báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được kiểm toán có ý kiến không phải là ý kiến chấp thuận toàn phần của kiểm toán, Công ty CP Đức Long Gia Lai (DLG) - chứng khoán thuộc diện cảnh báo.
Ngoài ra, các mã khác gồm VTP, TTF, SMC, PSH, LDG, ITA, HVN, HNG, HBC, HAG, FRT, FIT, FCN, DXS, DLG, CRE, APH… cũng nằm trong danh sách này.
Đáng chú ý, cái tên FRT của FPT Retail đang gây chú ý với thị trường. Cổ phiếu này bị cắt margin do không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2023 là số âm.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu FRT giao dịch hết sức tích cực. Khép lại phiên giao dịch 19/6/2024, cổ phiếu FRT đóng cửa tại mức 174.000 đồng/cp, vốn hóa công ty ước đạt hơn 23.200 tỷ đồng, ngấp nghé ngưỡng tỷ USD. Với mức giá trên, FRT đã trở thành một trong những cổ phiếu đắt nhất sàn giao dịch HoSE.
Không chỉ vậy, đây cũng là cổ phiếu được khối ngoại ưu ái mua vào mạnh trong khi xu hướng chính của khối này là bán ròng.
Xét theo cơ cấu, tập đoàn FPT là hiện cổ đông lớn nhất của FPT Retail khi nắm giữ giữ tới 46,53% số lượng cổ phiếu. Tiếp sau đó là các tổ chức tài chính như CTBC Vietnam Equity Fund, VOF Investment Limited, Hanoi Investments Holdings Limited,.. với tỷ lệ dao động từ 2% - 4%.
Châu Anh