Báo cáo tài chính quý III/2023 của Hải An ghi nhận doanh thu thuần 681 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 30% khiến lãi gộp bị bào mòn, giảm 58% xuống còn 158 tỷ đồng, biên lãi thu hẹp từ mức 48% cùng kỳ năm trước xuống 23%.
Doanh thu tài chính ghi nhận 11 tỷ, tăng 79%, trong khi chi phí tài chính tăng 22% so với quý III/2022 lên 20 tỷ đồng. Cộng thêm chi phí quản lý doanh nghiệp khoảng 34 tỷ đồng, Hải An báo lãi sau thuế quý III giảm 59% so với cùng kỳ năm trước xuống mức 113 tỷ đồng, trong đó lãi ròng giảm 52% xuống còn gần 105 tỷ đồng.
Hải An báo lãi quý III giảm 60% so với cùng kỳ. (Ảnh: Int) |
Công ty giải trình lợi nhuận sau thuế giảm mạnh là do sản lượng vận chuyển và giá cước biển giảm, giá cho thuê tàu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chi phí cho đội tàu tăng do tăng thêm tàu HA Rose vào tháng 11/2022 dẫn tới lợi nhuận hoạt động khai thác tàu giảm mạnh. Đồng thời, Hải An còn ghi nhận lỗ kinh doanh từ công ty liên doanh Zim Hải An do mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3/2023.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu của Hải An đạt 1.948 tỷ đồng, giảm 17% và lợi nhuận sau thuế đạt 319 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ đầu năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu từ khai thác tàu ghi nhận hơn 751 tỷ, doanh thu khai thác cảng hơn 89 tỷ và doanh thu khác gần 125 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp ghi nhận phần loại trừ nội bộ âm gần 284 tỷ đồng.
Năm 2023, Hải An đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 2.960 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 492 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 40% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau 9 tháng, công ty mới hoàn thành 65% mục tiêu lãi cả năm.
Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Hải An đạt 5.076 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 1% so với đầu năm, trong đó gần 311 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, cộng thêm hơn 118 tỷ tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng. Ngoài ra, hiện Hải An có đầu tư vào hai công ty liên kết là Giao nhận vận tải Hải An (giá gốc gần 1,5 tỷ, giá trị hiện đạt hơn 32 tỷ) và Vận tải biển An Biên (giá gốc 85 tỷ, giá trị hiện đạt 109 tỷ đồng).
Nợ phải trả tại thời điểm cuối quý III giảm 220 tỷ đồng so với đầu năm, còn 1.942 tỷ đồng, trong đó nợ vay tổng cộng gần 1.132 tỷ đồng với hơn 830 tỷ đồng là nợ vay dài hạn, còn lại là ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 3.134 tỷ đồng với gần 690 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối.
Có thể thấy, kể từ khi lập đỉnh vào quý II/2022, kết quả kinh doanh của Xếp dỡ Hải An liên tục sụt giảm.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngành vận tải biển nói chung và Hải An nói riêng được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn.
VNDirect dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng của Xếp dỡ Hải An năm 2023 đạt lần lượt 2.665 tỷ và 449 tỷ đồng, tương ứng giảm 17% và 45% so với năm trước.
Dù hiệu quả kinh doanh đi xuống và triển vọng kém tích cực trong trung hạn nhưng trên thị trường, thời gian qua, giá cổ phiếu HAH vẫn đi lên mạnh mẽ, trước khi có nhịp điều chỉnh cùng thị trường chung. Đáng chú ý, từ vùng giá 30.000 đồng/cp đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/8/2023, thị giá HAH đã tăng lên vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 13/10/2023, tương ứng mức tăng 33%. Đây cũng là mức giá cao nhất từ đầu năm tới nay của HAH.
Châu Anh