Thị trường chứng khoán Việt Nam "đỏ lửa" trong phiên 17/12 bất chấp phiên trước đó tăng mạnh |
Ngay trong 7 phút đầu tiên của phiên giao dịch ngày 17/12, chỉ số Vn-Index đã giảm ngay 1,1% xuống 1.055,45 điểm. Thị trường ngày càng xấu đi trong phiên chiều trước lực bán dâng cao, chỉ số Vn-Index đóng cửa về sát đáy thấp nhất, để mất 15,22 điểm tương đương 1,43%.
Đáng chú ý, trong đợt giao dịch xác định giá đóng cửa (ATC), lượng giao dịch trên HoSE khá thấp khi chỉ ghi nhận 91 tỷ đồng. Đây là mức thấp bất thường vì trong mấy phiên gần đây, giao dịch đều 500-600 tỷ đồng, thậm chí rổ VN30 báo khớp đợt ATC chỉ hơn 46 tỷ đồng.
Theo thông tin từ nhiều nhà đầu tư, lệnh mua bán không vào được hệ thống, nhưng vẫn có nhà đầu tư giao dịch được. Vì vậy khả năng cao xuất hiện hiện tượng kẹt lệnh ở phía các công ty chứng khoán hoặc hệ thống mạng có vấn đề.
Yếu tố này khiến mức đóng cửa của các chỉ số như Vn-Index và VN30-Index gần như không thay đổi gì so với cuối đợt khớp lệnh liên tục.
Mặc dù số liệu giao dịch cuối cùng có thể không chính xác, nhưng hôm nay thị trường vẫn ghi nhận mức giao dịch cao chưa từng thấy trong lịch sử, đã vượt qua phiên ngày 25/1/2018.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn đạt 14.873 tỷ đồng, tăng 25,5% so với hôm qua. Tổng giá trị giao dịch bao gồm cả thỏa thuận đạt 15.760 tỷ đồng. Nếu đợt ATC thị trường bình thường, mức giao dịch chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa.
Hôm nay lại là phiên đáo hạn phái sinh nên việc VN30-Index cuối ngày gần như không thay đổi có ảnh hưởng đến các vị thế còn mở. Với đà giảm giá cực mạnh trong phiên, hoàn toàn có khả năng cuối ngày thị trường sẽ xuất hiện bán tháo mạnh thêm.
Tuy nhiên do hệ thống vẫn giao dịch chỉ là khối lượng quá ít nên giá thanh toán của hợp đồng tương lai hôm nay vẫn là 1.016,95 điểm của VN30-Index.
Phiên đỏ lửa ngày hôm nay diễn ra trong bối cảnh thị trường bất ngờ nhận tin xấu về việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Theo nhận định từ các nhà đầu tư, việc này có thể khiến các ngành cảng biển-logistics, bất động sản khu công nghiệp…gặp nhiều rủi ro bởi sẽ làm giảm uy tín của Việt Nam trong quá trình chuyển dịch vốn được xem là một trong những động lực lớn của thị trường chứng khoán trong thời gian qua.
Do đó, việc thị trường đã và sắp phản ứng mạnh với thông tin này là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng thông tin này chỉ là “giọt nước tràn ly” bởi thị trường đã tăng quá mạnh và dòng tiền quá căng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã lên tiếng khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Theo NHNN, việc mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
M.K