EPS của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi về mức gần 24% trong năm 2021. |
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa công bố báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 cho biết, Việt Nam là một trong ít các quốc gia ghi nhận mức độ tăng trưởng dương trên thế giới (2,91%), cao hơn hầu hết các dự báo.
Điều này thể hiện rõ nhất trong quý IV/2020 khi nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng trở lại, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt với điều kiện sản xuất kinh doanh giữ vững đà phục từ cuối quý III.
Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu không tránh khỏi ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng vẫn giữ mức tăng trưởng trên 5% với thặng dư thương mại cao. Ngoại trừ hoạt động FDI không mấy tích cực thì các yếu tố vĩ mô cũng như chính sách điều hành tỷ giá, lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy hiệu quả của việc thúc đẩy hồi phục nền kinh tế từ phía Chính phủ Việt Nam.
Yuanta Việt Nam nhận định, những biện pháp tích cực này sẽ được duy trì trong năm 2021 giúp nền kinh tế đạt được những thành tựu đáng kể.
“Với giả định kinh tế sẽ lấy lại đà tăng trưởng bình thường như trước dịch từ quý IV/2021 và hoạt động giao thương, du lịch quốc tế hồi phục đáng kể từ quý III/2021, đồng thời, các lĩnh vực liên quan hoạt động xây dựng tăng trưởng mạnh hơn mọi năm nhờ chính sách đầu tư công, lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản tăng trưởng nhờ sự thúc đẩy từ các hiệp định thương mại, chúng tôi dự kiến GDP năm 2021 sẽ tăng khoảng 6,56% và quý I/2021 tăng khoảng 5,62%", nhóm chuyên gia của Yuanta nêu quan điểm.
Cũng theo công ty chứng khoán này, dịch bệnh sẽ kiểm soát hoàn toàn kể từ tháng 6/2021, từ đó kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục hoàn toàn và EPS của các doanh nghiệp niêm yết có thể quay về mức thông thường như hàng năm.
Theo đó, tăng trưởng EPS năm 2021 được dự báo ở mức 23,65%. Trong đó, nhóm ngành năng lượng (dầu khí, điện, năng lượng tái tạo), ngành hàng tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng có thể sẽ hồi phục mạnh nhất trong năm 2021.
Các chuyên gia của Yuanta Việt Nam nhận mạnh, thị trường đang nhận được sự hỗ trợ từ dòng tiền của các nhà đầu tư mới nên P/E có thể đạt mức cao nhất trong lịch sử là 22,5x. Điều này sẽ kéo chỉ số Vn-Index mức 1.705 điểm trong năm 2021.
Câu chuyện thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ được chú ý trong năm 2021. Cùng với đó, 3 hiệp định thương mại sẽ hỗ trợ cho đà hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, cũng là thông tin tích cực với thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại dự báo sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán mới nổi nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Ngoài ra, chứng khoán Việt có thể đón tin tốt về việc được lọt vào danh mục theo dõi xem xét nâng hạng thị trường trong kỳ đánh giá định kỳ tháng 9/2021.
Bên cạnh những nhận định lạc quan, Yuanta cũng đưa ra những rủi ro vẫn đang hiện hữu có thể “đe dọa” thị trường như tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể tăng mạnh trong hai quý đầu năm 2021, kéo theo đó chi phí dự phòng có thể sẽ ảnh hưởng lên tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong hai quý đầu năm 2021.
Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực lên thị trường kể từ cuối quý I/2021 sang nửa đầu quý II/2021.
Cùng với đó, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong 6 tháng đầu năm 2021 nên tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp có thể chỉ đạt 70 – 80% mức tăng trưởng thông thường ở hai quý đầu năm 2021.
Thêm vào đó, đòn bẩy trên thị trường chứng khoán ở mức cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2020, điều này có thể sẽ khiến thị trường xuất hiện các nhịp điều chỉnh mạnh.
N.L