HĐQT đồng ý hủy ba nghị quyết gồm Nghị quyết 50, 51 và 53/2022 được thông qua ngày 14/12 và 31/12/2022.
Năm 2022, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận mức lỗ ‘khủng’ hơn 1.000 tỷ đồng. (Ảnh: Int) |
Trước đó, Nghị quyết 50 đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1-1-2023. Còn Nghị quyết 51 bầu ông Nguyễn Công Phú giữ chức chủ tịch HĐQT vào ngày ông Hải rời vị trí. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, sóng gió nổi lên tại Hoà Bình khiến HĐQT công ty này ra Nghị quyết 53 huỷ bỏ hai quyết định trên.
Trong báo cáo gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào ngày 14/2 vừa qua, Tập đoàn xây dựng Hoà Bình ra nghị quyết chấp thuận đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Nguyễn Công Phú kể từ ngày 13/2.
Trong đơn từ nhiệm, ông Phú cũng uỷ quyền lại cho ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hoà Bình tham dự, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác của HĐQT. Như vậy có thể thấy, cuộc tranh chấp quyền lực tại Tập đoàn xây dựng Hoà Bình đã đi đến hồi kết.
Đáng chú ý, HĐQT Hoà Bình cũng đặt mục tiêu doanh thu đạt 12.500 tỷ đồng và lãi sau thuế là 125 tỷ đồng trong năm 2023.
Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2022, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2022 đạt 3.218 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, nhưng do kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ gộp 426 tỷ đồng. Đây có thể nói là kết quả kinh doanh tồi tệ nhất trong hơn 10 năm qua của Hòa Bình, bởi lần đầu tiên trong 13 năm qua, doanh nghiệp này lỗ gộp trong quý (lần gần nhất là quý II/2009 lỗ gộp 4 tỷ đồng).
Trong quý, doanh thu tài chính ghi nhận mức âm 112 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính đạt 164 tỷ đồng (gấp 2,1 lần cùng kỳ). Chi phí quản lý cũng lên tới 496 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần, chủ yếu do trích lập dự phòng phải thu khó đòi tới 358 tỷ đồng. Điều này đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1.214 tỷ đồng – lần đầu tiên âm kể từ quý III/2020.
Kết quý IV/2022, Hoà Bình báo lỗ trước thuế 1.215 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 47 tỷ đồng; lỗ sau thuế 1.202 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 19 tỷ đồng. Đây là quý lỗ đầu tiên kể từ quý II/2009 và là quý lỗ nặng nề nhất trong lịch sử Hoà Bình.
Với kết quả này, thành quả trong 3 quý trước đó cũng không thể bù đắp nổi kết quả cho quý IV, khiến lũy kế năm 2022, doanh thu thuần đạt 14.122 tỷ đồng, tăng 24%, song lợi nhuận gộp chỉ đạt 258 tỷ đồng, giảm 69% so với năm trước.
Cũng do quý IV ghi nhận doanh thu âm, nên doanh thu tài chính cả năm chỉ còn 158 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lên tới 521 tỷ đồng (tăng 72%) và chi phí quản lý tới 939 tỷ đồng (tăng 2,3 lần).
Kết quả, năm 2022, doanh nghiệp lỗ trước thuế 1.102 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 148 tỷ đồng; lỗ sau thuế 1.140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 97 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoà Bình lỗ sau thuế và lại lỗ rất đậm.
Được biết, năm 2022, Hoà Bình đặt mục tiêu doanh thu thuần 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được 80% mục tiêu doanh thu và không hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận, thậm chí âm nặng.
Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Hoà Bình đạt 16.926 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh của khoản tiền và tương đương tiền, giảm 33%, còn 493 tỷ đồng.
Trong khi đó, các khoản phải thu tăng 5%, lên 12.212 tỷ đồng, chiếm tới 72% tổng tài sản; riêng khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng gấp đôi lên 774 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 đạt 14.283 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Như vậy, có tới 84% tài sản của Hoà Bình được hình thành từ nợ phải trả. Trong đó, nợ vay là 6.130 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm.
Vốn chủ sở hữu của Hoà Bình đã giảm mạnh (-35%) xuống còn 2.643 tỷ đồng, do khoản lỗ khổng lồ năm 2022. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu do vậy đạt tới 5,4 lần, tăng mạnh so với mức 3,08 lần hồi đầu năm.
Về dòng tiền kinh doanh, năm 2022, Hoà Bình ghi nhận âm 844 tỷ đồng do tăng các khoản phải thu (919 tỷ đồng), chi trả lãi vay (515 tỷ đồng). Dòng tiền đầu tư cũng âm 614 tỷ đồng, do tăng mua sắm tài sản (252 tỷ đồng), tăng chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác và tăng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Kéo theo đó, dòng tiền vay/trả được đẩy lên ngưỡng rất cao, đạt 10.788 tỷ đồng/9.754 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và giảm 0,7% so với năm trước. Lưu chuyển tiền thuần cả năm âm 241 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, mặc dù ghi nhận đà hồi phục trong tháng cuối năm 2022, nhưng so với thời điểm đầu năm, thị giá cổ phiếu HBC đã giảm khoảng 65%, vốn hóa theo đó cũng giảm hàng nghìn tỷ đồng. Chốt phiên đầu tháng (1/3), cổ phiếu HBC đang dừng ở mức 8.500 đồng/cp.
Châu Anh