Với mức giá hiện tại, vốn hóa của Vietcombank tăng lên mức kỷ lục hơn 504.000 tỷ đồng, chiếm 1/10 tổng giá trị vốn hóa toàn sàn chứng khoán.
Có thể nói, con số nửa triệu tỷ đồng là mức vốn hóa cao kỷ lục mà một doanh nghiệp từng đạt được trong suốt 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và Vietcombank là cái tên đầu tiên chạm đến ngưỡng lịch sử này.
Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VCB đã tăng 33%. |
Trước đó, trong phiên 7/7, với mức giá 105.000 đồng/cp đã đưa giá trị vốn hóa Vietcombank nhảy vọt lên vùng đỉnh hơn 496.000 tỷ đồng (khoảng 21 tỷ USD), cao gần gấp đôi đơn vị xếp phía sau là Vinhomes và ngày càng nới rộng khoảng cách với các đơn vị khác như BIDV, Vingroup, PV Gas, Vinamilk.
Giá trị vốn hóa của ngân hàng quốc doanh hàng đầu Việt Nam thậm chí đã sánh ngang với các nhà băng lớn trên thế giới, bỏ xa Shinhan Bank (Hàn Quốc) và Sumitomo Mitsui (Nhật Bản), đủ vượt mặt ngân hàng lớn nhất nước Đức là Deutsche Bank (hơn 20 tỷ USD), hay tiệm cận Standard Chartered (Anh).
Trong phiên 5/6, cổ phiếu VCB cũng từng gây chú ý khi đã có thời điểm tăng lên mức 98.600 đồng/cp – thiết lập đỉnh cao mới, cao nhất mọi thời đại tính đến thời điểm đó, sau khi Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho phép ngân hàng này tăng vốn điều lệ.
Không chỉ vậy, vào đầu tháng 2 vừa qua, sau khi bền bỉ leo dốc trong 3 tháng, cổ phiếu VCB đã bật tăng 45% từ vùng đáy ngắn hạn hồi đầu tháng 10/2022 (66.000 đồng/cp), trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường thời điểm đó. Với mức chốt phiên ngày 3/2, cổ phiếu VCB đã tăng lên mức 93.000 đồng/cp – tương đương với đỉnh tháng 1/2023.
Được biết, ngày 26/7 tới đây, Vietcombank sẽ chốt danh sách đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020. Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới).
Sau khi phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, lên mức 55.891 tỷ đồng. Con số này sẽ đưa Vietcombank vượt qua VietinBank và BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau VPBank. Theo Vietcombank, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động.
Ngoài phát hành cổ phiếu trả cổ tức, Chủ tịch Vietcombank cho biết ngân hàng còn đang triển khai 2 kế hoạch tăng vốn khác. Cụ thể, ngân hàng sẽ tăng vốn từ lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đang triển khai phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến sẽ thực hiện được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2024.
SSI Research vừa có báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý II/2023 của 32 doanh nghiệp niêm yết. Với Vietcombank, công ty chứng khoán này ước tính lợi nhuận được dự báo khoảng 10-10,3 nghìn tỷ đồng tăng 38%. Ngân hàng tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng trong việc giải ngân mới với tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3% so với đầu năm, chất lượng tài sản tiếp tục được duy trì.
Châu Giang