Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị, tương đương với giá trị gần 110 tỷ đồng. Ngoài ra, VCB còn có các giao dịch thỏa thuận với giá trị gần 96 tỷ đồng.
Với mức giá 105.000 đồng/cp, cổ phiếu VCB đã ghi nhận mức giá cao nhất trong lịch sử của cổ phiếu nhà băng này, đưa giá trị vốn hóa Vietcombank nhảy vọt lên vùng đỉnh hơn 496.000 tỷ đồng (khoảng 21 tỷ USD), cao gần gấp đôi đơn vị xếp phía sau là Vinhomes và ngày càng nới rộng khoảng cách với các đơn vị khác như BIDV, Vingroup, PV Gas, Vinamilk.
Giá trị vốn hóa của ngân hàng quốc doanh hàng đầu Việt Nam thậm chí đã sánh ngang với các nhà băng lớn trên thế giới, bỏ xa Shinhan Bank (Hàn Quốc) và Sumitomo Mitsui (Nhật Bản), đủ vượt mặt ngân hàng lớn nhất nước Đức là Deutsche Bank (hơn 20 tỷ USD), hay tiệm cận Standard Chartered (Anh).
Với mức giá 105.000 đồng/cp, cổ phiếu VCB đã ghi nhận mức giá cao nhất trong lịch sử của cổ phiếu nhà băng này. |
Đà tăng của “ông lớn” ngành ngân hàng diễn ra sau thông tin nhà băng đang tiến đến những thủ tục cuối cùng trước khi chính thức được phép phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ hơn 18%.
Nhiều khả năng, ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức sẽ được ngân hàng Vietcombank thông báo trong vài ngày tới đây.
Trước đó, trong phiên 5/6, cổ phiếu VCB cũng từng gây chú ý khi đã có thời điểm tăng lên mức 98.600 đồng/cp – thiết lập đỉnh cao mới, cao nhất mọi thời đại tính đến thời điểm đó, sau khi Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho phép ngân hàng này tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 181 cổ phiếu mới), từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và năm 2020 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua.
Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức xong, ngân hàng Vietcombank sẽ vượt ngân hàng Vietinbank và ngân hàng BIDV để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau ngân hàng VPBank.
Không chỉ vậy, vào đầu tháng 2 vừa qua, sau khi bền bỉ leo dốc trong 3 tháng, cổ phiếu VCB đã bật tăng 45% từ vùng đáy ngắn hạn hồi đầu tháng 10/2022 (66.000 đồng/cp), trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường thời điểm đó. Với mức chốt phiên ngày 3/2, cổ phiếu VCB đã tăng lên mức 93.000 đồng/cp – tương đương với đỉnh tháng 1/2023 và chỉ còn thấp hơn đỉnh cao lịch sử hồi cuối tháng 1/2022 khoảng 3%.
Đáng chú ý, trong số các bluechips, VCB là mã duy nhất đã quay trở lại đỉnh cao lịch sử, có thể nói là không bị “thương tổn” gì trong xu hướng điều chỉnh mạnh năm 2022. Nếu tính từ đáy tháng 11/2022, VN-Index tăng khoảng 165 điểm thì VCB đóng góp 22 điểm.
Trên một diễn biến khác, ngày 30/6 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chính thức ban hành Công văn số 538/QĐ-UBCK về việc chấp thuận chính thức Vietcombank làm ngân hàng thanh toán cho các giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước đã đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Việc chấp thuận chính thức này căn cứ trên công văn xác nhận của VSDC về việc cơ sở vật chất, kỹ thuật của Vietcombank đảm bảo thực hiện việc thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; đồng thời, xác nhận việc kiểm thử kết nối hệ thống thanh toán giao dịch trái phiếu riêng lẻ thành công giữa VSD và Vietcombank.
Châu Giang