Cụ thể, trong quý II/2024, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT đạt 2.664 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng tăng mạnh 24% so với cùng kỳ năm trước lên 1.874 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu đạt 29.338 tỷ đồng và LNTT đạt 5.198 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,4% và 19,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) cũng tăng 22,3% lên 3.672 tỷ đồng, tương ứng EPS ở mức 2.514 đồng/cp.
FPT tiếp đà tăng trưởng quý II và 6 tháng đầu năm 2024. |
Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và LNTT đạt 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau nửa đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 47% kế hoạch doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Mảng Dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao 29,8% về doanh thu, đạt 14.573 tỷ đồng, nhờ mức tăng trưởng mạnh mẽ đến từ thị trường Nhật (+35.2%) và APAC (+31.9%), thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn tại các thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.
Riêng doanh thu chuyển đổi số trong nửa đầu năm 2024 đạt 6.704 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics, Product Engineering ...
Doanh thu ký mới đạt 18.671 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ, chủ yếu do Tập đoàn đã đẩy sớm việc ký mới vào cuối năm 2023. Tính chung trong nửa đầu năm 2024, FPT tiếp tục ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, thắng thầu 27 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD, bằng 2 lần so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật và Châu Á – Thái Bình Dương.
Mảng Dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ghi nhận doanh thu đạt 3.504 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 17,8%, thúc đẩy bởi những nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với khối Chính phủ, bộ ban ngành và thúc đẩy mảng kinh doanh Điện toán đám mây và Trí tuệ nhân tạo cho các doanh nghiệp trong nước.
Hệ sinh thái sản phẩm Made-by-FPT tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, ghi nhận doanh thu 942 tỷ đồng (+47.5%) nhờ tính ứng dụng cao cho cả khối Doanh nghiệp lẫn khối Chính phủ.
Mảng Dịch vụ viễn thông duy trì mức tăng trưởng bền vững với doanh thu đạt 7.966 tỷ đồng, tăng 7,3% và LNTT đạt 1.697 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ.
Trong mảng giáo dục, đầu tư và khác, doanh thu tăng trưởng 32% lên 3.017 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, LNTT ghi nhận 987 tỷ đồng. Riêng giáo dục đạt doanh thu 3.425 tỷ đồng, tăng trưởng 24%. Mới đây, FPT đã cất nóc dự án Tổ hợp giáo dục FPT tại Thanh Hóa và nhận được Giấy chứng nhận đầu tư Tổ hợp Giáo dục tại Huế, qua đó tiếp tục tăng cường hiện diện trên cả nước.
Đáng chú ý, trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng, trên thị trường, khối ngoại bắt đầu “quay xe” mua ròng trở lại cổ phiếu FPT sau thời gian miệt mài bán.
Cụ thể, trong phiên VN-Index giao dịch đầy biến động 17/7 khi chỉ số chính liên tục đảo chiều khiến nhiều nhà đầu tư cảm giác như đi "tàu lượn", nhất là vào phiên chiều. Đóng cửa phiên 17/7, VN-Index giảm 12,52 điểm (-0,98%) về 1.268,66 điểm. Thanh khoản trên HoSE tăng vọt so với phiên trước với giá trị khớp lệnh đạt ngưỡng 28.100 tỷ đồng. Đặc biệt, khối ngoại trở thành điểm sáng khi quay đầu mua ròng mạnh tay tới hơn 624 tỷ đồng. Trong đó, trên HoSE, cổ phiếu FPT là tâm điểm mua ròng của khối ngoại với giá trị 163 tỷ đồng – cao nhất toàn thị trường.
Dù vậy, diễn biến của cổ phiếu FPT trong thời gian gần đây liên tục điều chỉnh giảm sau khoảng thời gian liên tục chinh phục những mức đỉnh cao. Thậm chí, trong phiên 18/7, ngay khi FPT báo lãi tiếp tục tăng trưởng vẫn không giúp cổ phiếu đổi sang “màu xanh” tích cực. Hiện, cổ phiếu FPT đang giao dịch quanh mức 129.500 đồng/cp.
Châu Anh