Dưới áp lực bán gia tăng mạnh nhưng không có lực cầu chống đỡ khiến chỉ số VN-Index phiên ngày 12/5 tuột mất 63 điểm, chốt phiên giảm về mức 1.238 điểm; HNX-Index giảm 17,5 điểm (-5,26%); UPCoM-Index cũng giảm 2,35 điểm (-2,38%). Toàn thị trường có tới 858 mã giảm điểm, trong đó có 222 mã giảm sàn.
“Nhà ngói cũng như nhà tranh”
Thống kê cho thấy, vốn hoá HoSE “bay” 249.000 tỷ đồng, tương ứng 10,8 tỷ USD - mức giảm kỷ lục thế giới trong ngày 12/5.
Không còn là “người hùng”, cổ phiếu trụ thay nhau “lau sàn” hàng loạt, tác động tiêu cực lên chỉ số chung và tạo hiệu ứng khiến hàng loạt nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ theo đó cũng giảm sàn như thuỷ sản, bán lẻ, dầu khí, dệt may, bất động sản khu công nghiệp, phân bón, chứng khoán, ngân hàng…
Cụ thể, trong rổ VN30 có tới 29/30 mã giảm, trong đó 11 mã giảm sàn là: PLX, MSN, GVR, SSI, VRE, POW, BVH, TCB, BID, VPB, STB; duy nhất SAB giữ được sắc xanh. Đóng cửa, VN30 mất 70,06 điểm (-5.19%) về mốc 1,279.76 điểm.
VN-Index đang có xu hướng giảm và bước sang thị trường con gấu. |
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.717 tỷ đồng, tăng 37%. Giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 36% lên 14.003 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức thanh khoản này được đánh giá là vẫn ở mức thấp.
Đáng chú ý, trong số 163 mã giảm sàn ở HoSE, có tới 141 mã rơi vào tình trạng thanh khoản trắng bên mua. Điều này cho thấy lực cầu vô cùng yếu ớt, áp lực bán tháo kích hoạt lên tới mức tối đa. Trong rổ VN30 có 11 mã sàn thì cũng có tới 7 mã mất thanh khoản như hàng đầu cơ. Như vậy, đầu cơ hay blue-chips thì cũng đều “báo động đỏ” như nhau.
Nhìn chung, số điểm giảm trong phiên này chỉ là quay lại mức điểm thấp nhất của 2 phiên liền trước, song hàng loạt cổ phiếu lại rơi sâu hơn nhiều. Mặc dù đây chỉ là phiên T+2 của phiên bán tháo hơn 68 điểm hôm 10/5, nhưng cổ phiếu bắt đáy dù là giá thấp nhất cũng đang đối diện nguy cơ thua lỗ khi về đến tài khoản.
Dạo một vòng quanh các diễn đàn chứng khoán, khắp nơi là những lời kêu gào than vãn của các nhà đầu tư. Phiên giảm mạnh này như một cú bồi đánh tan những hi vọng mong manh còn sót lại của nhà đầu tư, nhất là những F0 mới tham gia vào thị trường từ đầu năm. Âm vào vốn gốc, “cháy tài khoản” là điều đương nhiên xảy ra.
Chia sẻ trên diễn đàn, chị Thanh Tâm cho biết: “Có hơn 1 tháng thôi mà mọi thành quả 2 năm bỗng chốc tiêu tan hết cả. Không hiểu nổi thị trường. Thực sự chán nản và thất vọng. Đâu mới là đáy? Bao giờ mới “về bờ” đây?”.
Sợ “bổn cũ soạn lại”
Quan sát diễn biến thị trường trong hơn 1 tháng qua, nhiều ý kiến cho rằng, VN-Index đang có xu hướng giảm và bước sang thị trường con gấu, thậm chí có nhiều điểm tương đồng, khá giống với giai đoạn 2018 – năm sóng gió của thị trường chứng khoán khi từ đỉnh lịch sử trượt sâu xuống đáy. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, kịch bản cũ khó có thể xảy ra.
Dưới góc nhìn tích cực, ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia cao cấp, CTCP Chứng khoán Nhất Việt cho rằng, thời điểm năm 2018 và 2022 vẫn rất khác nhau. So với năm 2018, nền kinh tế hiện nay của Việt Nam đang được chính phủ điều hành tốt hơn rất nhiều và quy mô thị trường cũng đã lớn hơn nhiều. Do đó, dù bối cảnh vĩ mô có nhiều điểm tương tự nhưng vẫn có thể kỳ vọng mức sụt giảm của thị trường và sức chống chịu sẽ không giảm sâu như năm 2018.
Theo ông Hoàng, vùng 1.200 điểm được coi là vùng hỗ trợ rất cứng của thị trường bởi đó là vùng đỉnh cũ mà VN-Index rất nhiều lần mới vượt qua được. Hiện, định giá VN-Index đang ở khoảng 14 với forward cho năm 2022 là mức 12. Nếu VN-Index giảm về vùng 1.200 thì định giá của P/E forward cho cả năm 2022 sẽ về vùng 11 - một mức chiết khấu vô cùng hấp dẫn.
“Dòng tiền thông minh luôn tìm đến những cổ phiếu tốt và cổ phiếu có nền tảng đi lên. Đặc biệt, khi các cổ phiếu tốt và có nền tảng đó lại có mức chiết khấu về vùng rất hấp dẫn thì đấy thực sự sẽ là cơ hội tuyệt vời”, ông Hoàng nhận định.
Tương tự, các chuyên gia công ty chứng khoán SHS cho biết, hiện tại, giá của cổ phiếu đã trở nên rẻ hơn trước đó. Và đây là cơ hội đối với những nhà đầu tư dài hạn để nâng cao tỷ trọng trong danh mục các cổ phiếu có cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai trong trường hợp thị trường điều chỉnh.
Nhận định về thị trường liên quan đến sức ép và tâm lý của nhà đầu tư thời điểm này, CTCP Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital) cho hay: "Hiếm khi nào nhà đầu tư phải chịu nhiều nỗi lo cùng một lúc như hiện nay: từ áp lực lạm phát, lãi suất tăng, xung đột Ukraine, FED thắt chặt, Trung Quốc lockdown, tới siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát đầu cơ, hạn chế tín dụng bất động sản… Và hệ quả là chúng ta đang có mức định giá VN30F 2022 ở mức 11.x thấp hiếm thấy, gần tương đương các giai đoạn khủng hoảng. Kinh nghiệm nhiều năm của chúng tôi đầu tư trên thị trường chứng khoán cho thấy, tin xấu và sự bi quan luôn là bạn tốt của nhà đầu tư. Tin xấu càng nhiều, lo lắng và thận trọng càng lớn, định giá càng rẻ, và hiệu quả đầu tư sẽ càng cao".
Trước các ý kiến cho rằng, các biện pháp chấn chỉnh thị trường gần đây là cần thiết nhưng đang tác động tới tâm lý nhà đầu tư, làm xáo trộn tới thị trường vốn, song SGI Capital đưa ra quan điểm: “Ao tù nước đục chỉ có cá bé bơi, biển rộng sông dài mới là nơi cá to đàn lớn vẫy vùng. Việc thanh lọc và chấn chỉnh thị trường sẽ tạo những xáo trộn khiến dòng tiền đầu cơ ngắn hạn co lại, những sẽ thu hút dòng tiền lớn và dài hạn tìm đến”.
Hải Giang