Theo thống kê của Chứng khoán VNDirect, sự sụt giảm mạnh trong tháng vừa qua đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong số các thị trường chứng khoán diễn biến kém nhất trong tháng 4/2022 và kể từ đầu năm. So với đầu tháng 4, VN-Index giảm mạnh 12,1%, cũng là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2021.
Tồn tại nhiều mối lo
Có thể thấy, trong tháng 4, thị trường liên tục bị điều chỉnh mạnh, VN-Index đã có phiên giảm sâu hơn 68 điểm (25/4), thậm chí có thời điểm, mốc 1.300 điểm đã bị xuyên thủng (26/4). Dù sau đó, thị trường đã bắt đầu có tín hiệu dần phục hồi, song để có thể khẳng định rằng thị trường đã tạo đáy hay chưa thì vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.
“Để nhận định thị trường đã tạo đáy và tiếp tục đi lên trong thời gian sắp tới có lẽ là hơi sớm. Hiện, VN-Index đã đánh mất các vùng hỗ trợ quan trọng, trong khi áp lực bán tại vùng cao vẫn còn hiện hữu. Vì vậy, phải có một lượng cầu đủ lớn để hấp thụ hết lượng hàng bán ra mới có thể khiến chỉ số tìm lại xu hướng tăng”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Agriseco nêu quan điểm.
Bên cạnh vấn đề thanh khoản, thị trường vẫn còn tồn tại nhiều mối lo ngại. |
Tuy nhiên, quan sát các phiên gần đây, dòng tiền bắt đáy đã không còn dồi dào như trước, thanh khoản liên tục xuống mức kỷ lục. Cụ thể, thanh khoản trung bình tuần qua (25-29/4) chỉ đạt khoảng 18.000 tỷ, thấp hơn gần 25% so với 3 tuần trước đó.
Theo lý giải của ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, thị trường đã trải qua giai đoạn giảm mạnh, tâm lý nhà đầu tư dần trở nên thận trọng và hoài nghi.
"Thị trường chứng khoán đã giảm có phần thái quá, rất nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 rơi về vùng hấp dẫn. Thị trường có lên được như cũ hay không cần thêm thời gian", ông Ngọc nói.
Ngoài vấn đề thanh khoản, trong báo cáo mới đây, VNDirect cho rằng, thị trường vẫn còn tồn tại nhiều mối lo ngại. Trước hết, xung đột Nga – Ukraine kéo dài hơn dự kiến và chính sách “Zero-COVID” ở Trung Quốc có nguy cơ lớn làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế vào năm 2022. Hiện, các tổ chức nghiên cứu lớn đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống khoảng 2,9-3,6% so với cùng kỳ, giảm từ mức 5,7% vào năm 2021.
Bên cạnh đó, thông tin từ biên bản cuộc họp mới nhất của Uỷ ban thị trường mở Liên bang (FOMC) cho thấy, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn dự kiến (tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %). Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, bao gồm cả các thị trường phát triển và mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Không chỉ vậy, lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến chính sách tiền tệ trở nên thắt chặt. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có ít dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Không chỉ vậy, đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ rút vốn đầu tư gián tiếp khỏi Việt Nam, đồng thời gia tăng áp lực lên nợ công.
Động lực đi lên
Dù đánh giá thị trường còn tồn tại nhiều mối lo, song một số chuyên gia cũng đưa ra những yếu tố tích cực tác động đến thị trường trong thời gian tới. Đó là tốc độ hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong những quý tới khi mở cửa trở lại các dịch vụ không thiết yếu, bao gồm giao thông công cộng, du lịch và giải trí. Bên cạnh đó, gói kích thích kinh tế mới được triển khai (giảm thuế VAT, nâng quy mô gói cấp bù lãi suất, giải ngân gói đầu tư cơ sở hạ tầng ...).
Đồng thời, dòng vốn FDI phục hồi sau khi Chính phủ cho phép mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế và hoạt động xuất khẩu tiếp tục cải thiện cũng là điểm nhấn cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Không chỉ vậy, kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2022 cùng kế hoạch kinh doanh khả quan cho năm 2022 được công bố trong Đại hội cổ đông thường niên của nhiều doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp niêm yết.
"Triển vọng của năm nay tương đối lạc quan nhờ dư địa của những gói hỗ trợ của Chính phủ còn rất nhiều. Đồng thời, nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu sôi động trở lại sau hai năm chịu ảnh hưởng mạnh từ Covid”, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ IPA nói.
Đáng chú ý, động thái mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 4 với giá trị 3.439 tỷ đồng, so với giá trị bán ròng 3.646 tỷ đồng tháng 3 được đánh giá là khá tích cực. Điều này cho thấy họ vẫn tin tưởng vào triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những quý tới và định giá thị trường đã trở lại mức hấp dẫn.
Hiện tại, sau những phiên điều chỉnh giảm mạnh, mức P/E thị trường xuống dưới 15 lần – mức rẻ nhất trong vòng 3-4 năm gần đây, đặc biệt mức P/E VN30 rẻ hơn P/E VN-Index khá nhiều lần.
“Mức định giá hấp dẫn với triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp toàn thị trường dự báo khoảng 23%, con số khá ấn tượng so với các quốc gia trong khu vực. Do đó, nếu không có sự kiện bất ngờ xảy ra thì vùng định giá này rẻ so với mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp”, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, VNDirect đánh giá.
Nhận xét về rủi ro lạm phát, bà Hiền cho rằng, dù có thể leo thang nhưng lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Điều mà nhà đầu tư cần quan tâm là chính sách liên quan đến thị trường vốn và tài chính.
“Thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư rất hiệu quả nếu đi dài hạn. Còn nếu đầu tư ngắn hạn thì phải chấp nhận những biến động của thị trường do nhiều yếu tố khác nhau. Với những triển vọng tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam, P/E thị trường xứng đáng ở mức 15 – 17 lần", ông Cao Minh Hoàng nhận định.
Hải Giang