Những ngày qua, TAND Tp.HCM tiếp tục xét xử đại án Phạm Công Danh gây thất thoát hơn 6.100 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB – nay là CBbank).
Theo cáo trạng, tháng 5/2013, ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) đã chỉ đạo ông Phan Thành Mai (nguyên TGĐ VNCB) tìm cách rút tiền VNCB để chuyển về Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng vào hoạt động tái cơ cấu của chính VNCB.
Quỹ Lộc Việt và Phạm Công Danh
Ông Mai gặp ông Nguyễn Việt Hà – Tổng Giám đốc Quỹ Lộc Việt – và cả hai xác lập phương án Tập đoàn Thiên Thanh, công ty Trung Dung ủy thác đầu tư cho Quỹ Lộc Việt bán trái phiếu của hai doanh nghiệp này. VNCB sẽ bảo đảm cho khoản trái phiếu này bằng tiền gửi của VNCB tại TPBank.
Nhận việc, ông Hà thống nhất với bà Đặng Thị Bích Thủy, ông Đinh Việt Cường – hai cá nhân giữ chức Phó Giám đốc và Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của TPBank – để tìm các doanh nghiệp sẽ vay vốn TPBank mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, công ty Trung Dung.
Sau đó, nhóm lãnh đạo của TPBank và VNCB đã dùng 11 pháp nhân là các công ty để tham gia vào việc vay vốn, mua bán trái phiếu này… Trong đó, có hai công ty của chính ông Hà. Đó là CTCP Đầu tư và phát triển Thạch Hà và CTCP Đầu tư và phát triển thương mại Đức Long.
Liên quan tới bà Thuỷ có 4 công ty, gồm công ty Khôi Nguyên Phát do Đỗ Việt Bun – khối khách hàng doanh nghiệp của TPBank làm giám đốc, công ty Toàn Phát thành lập tháng 11/2013 do do bà Thuỷ đề nghị Trần Quang Huy làm giám đốc, Công ty Thuận Phát do bà Thuỷ giới thiệu Nguyễn Thế Linh là giám đốc, công ty An Phát do Nguyễn Ngọc Tuấn do chồng của chị Nguyễn Thị Phương Thanh – nhân viên khách hàng khối doanh nghiệp TPBank – làm giám đốc. Còn công ty Thịnh Phát do ông Đinh Việt Cường làm Tổng giám đốc.
Nói cách khác, các doanh nghiệp tham gia vào quy trình rút tiền của VNCB đều liên quan tới nhóm lãnh đạo của Quỹ Lộc Việt, VNCB và đặc biệt là TPBank.
Dù chưa đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định, nhưng Phạm Công Danh, vẫn chỉ đạo lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu của tập đoàn Thiên Thanh và 1.200 trái phiếu của công ty Trung Dung, sau đó bán cho 11 pháp nhân nêu trên. Qua đó, hoàn thành “nghiệp vụ” rút tiền vủa VNCB để… tái cơ cấu VNCB.
![]() |
Ông Phạm Công Danh khai dùng số tiền vay tại TPBank để trả tiền mua cổ phần ngân hàng đang nợ bà Hứa Thị Phấn và trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh –Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát…
TPBank “nhắm mắt” cùng Quỹ Lộc Việt?
Theo cáo trạng, hồ sơ vay vốn của 11 công ty được sử dụng để vay vốn từ TPBank đều đã “vượt qua” các vòng thẩm định của các cấp quản lý tại TPBank. Theo đó, hệ thống quản lý của TPBank đã không đánh giá về năng lực tài chính của các doanh nghiệp này mà chỉ đánh giá phương án kinh doanh và tài sản đảm bảo, bảo lãnh là tiền gửi của VNCB, cùng chính lô trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, công ty Trung Dung.
Thậm chí, Phòng tái thẩm định 1 của TPBank còn đồng ý cho 11 doanh nghiệp vay vốn này được nợ hồ sơ, ký đề xuất cấp tín dụng cho 11 công ty và trình Hội đồng tín dụng, Ủy ban tín dụng TPBank phê chuẩn.
Trên cơ sở đó, Hội đồng tín dụng và Ủy ban tín dụng của TPBank đã phê duyệt cho 11 công ty nêu trên vay 1.666,8 tỷ đồng trong thời hạn 1 năm để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và công ty Trung Dung.
Lưu ý là, thời điểm này, ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT TPBank hiện nay – cũng là Chủ tịch Hội đồng tín dụng của ngân hàng này, đồng thời, chính TPBank khi ấy cũng đang phải tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN, như VNCB.
Trong khi TPBank “nhắm mắt” phê duyệt khoản vay trên, VNCB cũng chuyển 1.706 tỷ đồng sang gửi tại TPBank để bảo đảm cho khoản vay.
TPBank đã giải ngân toàn bộ 1.666,8 tỷ đồng cho 11 công ty. Sau đó, 11 công ty này có ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng vào tài khoản Tập đoàn Thiên Thanh, 600 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Trung Dung, 67 tỷ đồng vào tài khoản của công ty Thạch Hà.
Với số tiền vay này, ông Phạm Công Danh khai dùng trả tiền mua cổ phần ngân hàng đang nợ bà Hứa Thị Phấn – nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín, tiền thân của VNCB – và trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh –Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát…
Điều đó giải thích vì sao sau này, khi xét xử vụ án tại VNCB, đại diện VKS đã đề nghị Tòa tuyên thu hồi các khoản tiền mà TPBank và các ngân hàng khác đã cấn nợ của VNCB theo “công thức” rút tiền này.
Quan điểm của VKS rất rõ ràng, nếu các tổ chức tín dụng trên tôn trọng và chấp hành đúng quy định cho vay, thì sai phạm của VNCB đã không xảy ra, tiền của VNCB đã không mất cho ông Phạm Công Danh.
Nói cách khác, VKS đánh giá các tổ chức tín dụng – trong đó có TPBank – đã có vai trò tiếp sức cho ông Danh rút tiền của VNCB. Tháng 4/2014, khi 11 công ty vay vốn không “trả” hồ sơ vay vốn, cũng không trả nợ, TPBank đã thu nợ gốc và lãi của 11 công ty này bằng cấn nợ hơn 1.740 tỷ đồng bảo lãnh của VNCB đang gửi tại chính TPBank.
Liên quan tới mối quan hệ với quỹ Lộc Việt, theo BCTC quý IV/2017, TPBank vẫn đang có các khoản uỷ thác đầu tư qua quỹ này là 170 tỷ đồng, đặt cọc môi giới trái phiếu CTCP chứng khoán Phương đông là 417 tỷ đồng, đặt cọc môi giới trái phiếu CTCP chứng khoán Sài gòn Thương tín là hơn 40 tỷ đồng.
Trong khi các khoản phải thu tại thời điểm 31/12/2017 của TPBank lại tăng vọt gấp 4 lần so với đầu năm, đạt 8.014 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu của TPBank là 6.676 tỷ đồng). Tương ứng với đó, trích lập dự phòng của TPBank cũng tăng gần gấp đôi, từ 294 tỷ đồng lên 462 tỷ đồng, dù nợ xấu thì lại khá thấp, chỉ 692 tỷ đồng.
Thùy Linh