Đóng cửa ngày 7/12, VN-Index tăng 33,19 điểm (2,35%) lên 1.146,77 điểm; chỉ số VN30 tăng 31,7 điểm (2,14%) lên 1.512,62 điểm. Riêng chỉ số VNMidcap và chỉ số VNSmallcap tiếp tục tăng mạnh hơn thị trường chung với mức tăng lần lượt là 2,68% và 2,63% về điểm số.
Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở những nhịp điều chỉnh. (Ảnh: Int) |
Nhóm trụ cột có sự đồng thuận, sắc xanh bao phủ trọn vẹn 30 mã trong nhóm VN30. Trong đó, VRE và POW bật tăng hết biên độ. Theo sau là GAS, KDH, HPG, BID và STB, đồng loạt tăng mạnh quanh mức 4-5%. Ngoài ra, FPT, NVL hay PDR cũng có những diễn biến rất tích cực, với mức tăng trung bình gần 2%.
Tất cả các mã Ngân hàng trên HoSE đóng cửa trong sắc xanh. Nhóm Dịch vụ chứng khoán từ vùng giá thấp trong phiên cũng đã đồng loạt bật lại cho đến khi đóng cửa. Nhóm Thép-Tôn mạ cũng tăng rất mạnh mẽ như HPG (+4.04%), HSG (+3.44%), POM (+3.15%) và NKG (+1.43%).
Nhóm Dầu khí phản ứng rất tích cực trước diễn biến giá dầu hồi phục tốt. Bộ đôi PVD và PVC bật tăng hết biên độ. Những cổ phiếu liên quan tới dầu khí khác như PVS hay PVB cũng tăng lần lượt ở mức 6.15% và 4.32%.
Nhóm Bất động sản và nhóm Xây dựng cũng ghi nhận nhiều nhân tố tăng vượt trội. Phần còn lại của thị trường cũng giao dịch rất khả quan. Phân bón, Dệt may, Thủy sản, Nông nghiệp, Cảng biển, Khu công nghiệp, Than, Đá xây dựng… cũng đều đồng loạt đóng cửa trên mức giá tham chiếu.
Trong phiên hồi phục này, tâm lý nhà đầu tư trong nước phần nào còn dè dặt, thể hiện qua giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 19,6 nghìn tỷ đồng so với 30 nghìn tỷ đồng phiên trước đó. Trong khi đó, quy mô giao dịch của khối ngoại vẫn duy trì như ở phiên trước đó và tiếp tục mua ròng 302 tỷ đồng trên sàn này.
Theo công ty chứng khoán SSI (SSI), chỉ số VN-Index đã hồi phục trở lại từ trên mốc hỗ trợ mạnh 1.400 điểm. Để thực sự quay trở lại xu hướng tăng, chỉ số cần thêm một phiên tăng điểm vượt mốc kháng cự 1.450 điểm với khối lượng giao dịch tăng lên vượt đường trung bình 50 ngày. Khi đó, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở các nhịp điều chỉnh.
Tương tự, chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, đà tăng của điểm số đi kèm sự sụt giảm của thanh khoản cho thấy động lực đi lên mới chỉ phần nhiều dựa vào tự tiết giảm của bên bán và thị trường sẽ sớm đối mặt với áp lực rung lắc để kiểm chứng sự ổn định của bên mua trong một vài phiên tới. Theo đó, vùng hỗ trợ gần quanh 1.420 và sâu hơn là 1.390 được kỳ vọng sẽ tạo điểm đỡ ngắn hạn cho VN-Index trước khi chỉ số thiết lập một mặt bằng giá vững chắc hơn. Nhà đầu tư có thể gia tăng một phần vị thế trading khi chỉ số lùi xuống các vùng hỗ trợ đã đề cập, nhưng cần linh hoạt bán cân đối lại vị thế trong kịch bản chỉ số tiếp tục hồi phục.
Đồng quan điểm, công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, trong ngắn hạn chỉ số đang có xu hướng hồi phục tương đối tích cực sau khi thử thách thành công mốc 1.400 điểm (tương ứng đỉnh cũ tháng 10/2021). Mặc dù thị trường tăng điểm nhưng khối lượng giao dịch đã sụt giảm. Thị trường có thể sẽ còn một số phiên rung lắc trước khi tìm được vùng hỗ trợ mới. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc chia nhỏ sức mua để mua dần vào một số cổ phiếu đã có nền tảng cơ bản tốt, với mức giá đã chiết khấu mạnh theo đà giảm chung của thị trường trong những phiên giảm vừa qua.
Một số cổ phiếu đáng chú ý được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: POW (PV Power), VND (VNDirect) và VGT (Vinatex).
H.Giang