Trong phiên 6/12, VN-Index chủ yếu giằng co tích lũy trong khoảng thời gian đầu phiên, song lực cung bắt đầu đẩy mạnh từ cuối buổi sáng và kéo dài đến hết phiên giao dịch khiến chỉ số đóng cửa tại ngưỡng 1.413,58 điểm, giảm 29,74 điểm (2,06%). VN-Index vẫn thu hẹp phần nào đà giảm từ mốc tâm lý 1.400 điểm trước khi bước vào phiên ATC.
VN-Index có khả năng xuất hiện nhịp hồi phục. (Ảnh: Int) |
Lực cung diễn ra trên diện rộng kéo theo mức giảm -1,53% của VN30 Index về còn 1.480,92 điểm. VN Midcap và VN Smallcap Index giảm với biên độ lớn hơn, lần lượt là -3,92% và -3,64%.
Mặc dù sắc đỏ chiếm ưu thế, tuy nhiên thị trường vẫn ghi nhận các cổ phiếu nỗ lực đi ngược xu hướng chung. Cụ thể, tại nhóm Chứng khoán, SSI đóng cửa hồi phục +1%. Lĩnh vực Xây dựng chứng kiến FCN hồi phục 6,7% sau phiên giảm mạnh vào thứ Sáu tuần trước (3/12). Tại nhóm Bất động sản, VIC đóng cửa trên tham chiếu trong khi HDG, PDR, CRE kết phiên trong sắc xanh.
Khối lượng giao dịch trên HoSE thấp hơn so với phiên cuối tuần trước (3/12), đạt trên 1 tỷ đơn vị và tương đương với mức bình quân 20 ngày. Khối ngoại quay lại mua ròng trên HoSE với quy mô 308,8 tỷ đồng, giao dịch tập trung vào VHM (176,9 tỷ đồng), SSI (128,3 tỷ đồng), VNM (76 tỷ đồng), VND (44 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, dẫn đầu nhóm bán ròng là DXG (64,5 tỷ đồng), HDB (46,4 tỷ đồng), VIC (40 tỷ đồng).
Hiện tại, chỉ số VN-Index đang nằm trên vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo tại 1.400 - 1.375 điểm, là đường hỗ trợ ngắn hạn hình thành từ tháng 7/2021 đến nay. Mặc dù vậy, tín hiệu không quá tiêu cực khi chỉ số VN30 chỉ giảm 1,53% thấp hơn thị trường chung. Với tín hiệu này, khả năng sẽ giúp chỉ số VN-Index xuất hiện nhịp hồi phục từ vùng hỗ trợ trên.
Theo công ty chứng khoán MB (MBS), VN-Index giảm mạnh về sát ngưỡng tâm lý 1.400 điểm đã kích thích dòng tiền vào bắt đáy. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE cao hơn 9% so với mức bình quân tuần trước, dòng tiền dịch chuyển vào nhóm VN30 khi nhóm Mid Cap và Small Cap đều giảm mạnh trên 3%. Về mặt kỹ thuật, chỉ số đã giảm hơn 100 điểm kể từ đỉnh, tương đương giảm hơn 7,35%. Hiện, chỉ số này đã chạm kênh xu hướng tăng kể từ đầu năm, sau nhịp giảm mạnh như trên, thị trường có khả năng xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật.
Tương tự, công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận xét, chỉ số có thể sẽ còn phải trải qua diễn biến rung lắc mạnh trong một vài phiên tới, kỳ vọng vùng hỗ trợ gần quanh 1.390 điểm sẽ tạo điểm đỡ và giúp thị trường xuất hiện nhịp hồi phục trở lại.
Đồng quan điểm, công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, mốc 1.400 - 1.410 điểm đang là vùng hỗ trợ tâm lý khá tin cậy và kỳ vọng VN-Index sẽ bắt đầu tìm được điểm cân bằng quanh vùng giá này. Dự báo, chỉ số sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục với thanh khoản thấp trong các phiên tới để tạo đà tiến dần lên kiểm định lại vùng đỉnh cũ 1.500 điểm vào cuối năm nay. Nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh để tích luỹ những cổ phiếu có nền tảng cơ bản như nhóm VN30.
Trong khi đó, công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, áp lực bán gia tăng nhanh chóng trên toàn thị trường đang cho thấy dấu hiệu dòng tiền thoái lui khỏi thị trường trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại. Mặc dù vậy, vùng hỗ trợ xung quanh 1.380 -1.400 điểm được kỳ vọng sẽ là ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn cho đà rơi của thị trường. Dự báo thị trường sẽ còn một số phiên rung lắc trước khi tìm được vùng hỗ trợ mới. Do đó, nhà đầu tư vẫn chưa nên vội vàng giải ngân mới mà nên tiếp tục chờ đợi thêm một vài phiên tới, và thậm chí nên mạnh dạn "cắt lỗ" các cổ phiếu mới mua ở đầu phiên để sẵn sàng sức mua giải ngân khi thị trường có dấu hiệu đảo chiều.
Một số cổ phiếu đáng chú ý được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), G36 (Tổng công ty 36 - CTCP), TIG (Tập đoàn Đầu tư Thăng Long).
H.Giang