Thị trường Mỹ: Gói tài khoá vẫn là "nút thắt"
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (21/10) chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 98 điểm, tức 0,4%, đóng cửa ở 28.211 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số gồm 30 cổ phiếu này tăng hơn 100 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,2% và 0,3%.
Nhà giao dịch chứng khoán Mỹ (Ảnh: CNBC) |
Trả lời phỏng vấn hãng tin MSNBC, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 21/10 cho biết bà hi vọng cả hai đảng có thể giải quyết "những vấn đề cần thiết" trong dự luật cứu trợ kinh tế ngay trong ngày.
Bình luận của bà Pelosi xuất hiện sau khi Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows (Đảng Cộng hòa) ngày 20/10 cho biết Chủ tịch Hạ viện và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã đạt được "tiến bộ tốt" trong cuộc thảo luận về gói kích thích. Tuy nhiên ông Meadows nói thêm rằng bà Pelosi và ông Mnuchin "vẫn còn nhiều việc phải làm" trước khi đạt được thỏa thuận.
CNBC dẫn lời ông Yousef Abbasi - Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty dịch vụ tài chính StoneX nhận định: "Có vẻ như thị trường đang tập trung vào các cuộc đàm phán cứu trợ bế tắc và rốt cuộc sẽ không đi đến đâu. Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã phản đối bất kỳ dự luật nào lớn hơn đề xuất khiêm tốn của họ, và mọi dấu hiệu đều cho thấy khả năng đạt được thỏa thuận trước bầu cử là hết sức xa vời".
Bất đồng giữa Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ về gói tài khoá đã diễn ra trong nhiều tháng qua. Gói trợ cấp cũ đã hết hạn từ cuối tháng 7 và nền kinh tế tiếp tục phải chống chịu hậu quả của đại dịch Covid-19 mà không có sự giúp sức từ chính quyền liên bang.
Ông Alec Phillips - Chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs cho rằng "những vấn đề lớn nhất vẫn chưa được giải quyết và triển vọng đạt được thỏa thuận còn khá xa vời".
"Các khác biệt thì lớn mà thời gian còn lại thì ít, có vẻ như bà Pelosi và ông Mnuchin sẽ rất khó đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử. Quan trọng hơn là cho dù hai bên nhất trí một thỏa thuận thì dự luật cũng khó có thể được thông qua trước ngày bầu cử", ông Alec Phillips nói.
Thị trường Việt Nam: Rủi ro có thể đến bất ngờ
Áp lực bán tăng mạnh khiến phiên giao dịch ngày 21/10 của thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ của nhiều mã cổ phiếu, các chỉ số đều lùi xuống dưới mốc tham chiếu.
Rủi ro có thể đến bất ngờ trong phiên giao dịch ngày 22/10 |
Kết phiên, chỉ số Vn-Index đóng cửa tăng 5,39 điểm (-0,57%) và xuống mức 939,03 điểm. Thanh khoản đạt hơn 412,65 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 8.395,56 tỷ đồng. Toàn sàn có 166 mã tăng, 72 mã đứng giá và 240 mã giảm giá.
Chỉ số VN30 giảm 3,39 điểm (-0,37%) và xuống mức 906,10 điểm. Thanh khoản đạt hơn 176,64 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 4.881,19 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu VN30 kết thúc ngày giao dịch có 10 mã tăng, 4 mã đi ngang và 16 mã giảm giá.
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tại mức 139,98 điểm, giảm 0,34 điểm (-0,25%). Thanh khoản đạt tổng cộng có hơn 49,53 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 685,36 tỷ đồng. Toàn sàn có 63 mã tăng, 75 mã giảm và 59 mã đứng giá.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM-Index tăng điểm, đóng cửa tại mức 63,75 điểm, tăng 0,04 điểm (+0,06%). Thanh khoản toàn thị trường, tổng KLGD đạt hơn 29,48 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 396,14 tỷ đồng.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặc dù có tín hiệu hỗ trợ trong các phiên trước nhưng nhịp tăng của Vn-Index không giữ được trọn phiên 21/10 mà có động thái điều chỉnh vào cuối phiên giao dịch.
Thanh khoản giảm cho thấy động thái đi xuống của thị trường chưa quyết liệt và có thể sẽ được hỗ trợ tại vùng 933 điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay (22/10). Tuy nhiên, động thái điều chỉnh hôm qua cũng là tín hiệu cảnh báo rủi ro có thể đến bất ngờ.
Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị cần thận trọng, nên giảm tỷ trọng tại các cổ phiếu đang có tín hiệu phân phối và suy yếu để giảm thiểu rủi ro cho danh mục, các cổ phiếu còn tín hiệu tích cực tạm thời vẫn có thể lưu giữ chờ tín hiệu rõ nét hơn của thị trường.
M.K