Thị trường Mỹ: cổ phiếu công nghệ "đỏ lửa" sau quyết định của FED
Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (Ảnh: AP) |
Theo CNBC, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên tăng 37 điểm và lấy lại mốc 28.000 điểm. Ngược lại, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,5% và 1,3%.
Cả Dow Jones và S&P 500 đều lên mức điểm cao nhất ngày sau thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhưng rồi nhanh chóng đi xuống.
Nhóm "đại gia" công nghệ đồng loạt giảm. Apple mất gần 3%, Facebook và Amazon giảm lần lượt 3,3% và 2,5%. Netflix sụt hơn 2%, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Microsoft đều giảm trên 1%.
Cổ phiếu ngân hàng JPMorgan Chase và Goldman Sachs tăng tương ứng 0,4% và 1,4%, giúp cho Dow Jones đóng cửa trong sắc xanh. Cổ phiếu các nhà băng khác như Bank of America, Morgan Stanley, Citigroup cũng đi lên rõ rệt.
Sau 2 ngày họp kín, các nhà lãnh đạo của FED quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong khoảng 0-0,25% và dự báo lãi suất nhiều khả năng sẽ được duy trì trong khoảng này đến năm 2023 để đạt mục tiêu lạm phát 2%.
Trong khi đó, gói kích thích tài khóa trị giá hơn 2.000 tỷ USD được thông qua hồi tháng 3 đã hết hạn vào ngày 31/7 nhưng hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thống nhất được một chương trình hỗ trợ thay thế. Nhiều người lo ngại hai đảng sẽ không thể đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11/2020.
CNBC dẫn lời ông Tom Hainlin – chuyên gia đầu tư toàn cầu tại công ty quản lý tài sản Ascent Private Capital Management nhận xét: "FED đánh giá số liệu thất nghiệp và biết mình có thể làm gì, nhưng FED không thể thay thế được chính sách tài khóa".
Thị trường Việt Nam: Chuỗi ngày đi ngang chưa chấm dứt
Nhà đầu tư được khuyến nghị vẫn có thể duy trì danh mục hiện tại hoặc gia tăng tỷ trọng. |
Phiên giao dịch ngày 16/9 khép lại với sự phân hoá của nhóm cổ phiếu trụ cột khiến các sàn đóng cửa trong xu thế trái chiều.
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tại mức 127,87 điểm, giảm 0,06 điểm (-0,04%). Thanh khoản đạt tổng cộng có hơn 52,98 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 520,64 tỷ đồng. Toàn sàn có 80 mã tăng, 198 mã đứng giá và 78 mã giảm giá.
Chỉ số HNX30 đóng cửa tăng 0,16 điểm (+0,07%) và lên mức 237,39 điểm. Khối lượng giao dịch đạt khoảng hơn 26,93 triệu đơn vị, giá trị tương ứng là hơn 329,03 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu HNX30 kết thúc ngày giao dịch có 10 mã tăng, 9 mã đi ngang và 11 mã giảm giá.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM Index tăng điểm, đóng cửa tại mức 59,73 điểm, tăng 0,17 điểm (+0,28%). Thanh khoản toàn thị trường, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 29,56 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 309,85 tỷ đồng.
Sàn HoSE, nhờ sắc xanh của các cổ phiếu lớn như MWG, PLX, SSI, TCB, VCB, VIC..., chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 1,21 điểm (+0,14%) và lên 897,47 điểm. Thanh khoản đạt hơn 289,44 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 4.999,75 tỷ đồng. Toàn sàn có 183 mã tăng, 68 mã đứng giá và 198 mã giảm giá.
Chỉ số VN30 tăng 1,17 điểm (+0,14%), ở mức 834,50 điểm. Thanh khoản đạt hơn 61,48 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 1.832,79 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu VN30 kết thúc ngày giao dịch có 11 mã tăng, 8 mã đi ngang và 11 mã giảm giá.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chuỗi ngày đi ngang của thị trường chưa chấm dứt, nhưng tín hiệu của thị trường vẫn duy trì lạc quan với việc có nhiều cổ phiếu giữ đà tăng hoặc tích cực dần.
Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị vẫn có thể duy trì danh mục hiện tại hoặc có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu đang phát ra tín hiệu lạc quan.
Đồng quan điểm với VDSC, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thị trường vẫn chưa có nhiều thay đổi, xu hướng giao dịch ở vùng trung tính vẫn là chủ đạo.
“Thanh khoản thị trường có sự suy giảm so với phiên hôm trước, đồng thời độ rộng ở trạng thái cân bằng cho thấy áp lực bán và động lực mua hiện đang không có sự nghiêng hẳn về phía nào”, BSC phân tích.
M.K