Thị trường Mỹ với sắc xanh lan toả
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày thứ Ba chỉ số S&P 500 tăng 0,5% và lấy lại mốc 3.400, chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,2% lên 11.190 điểm, Dow Jones đóng cửa chỉ nhích 2 điểm lên 27.996 điểm nhưng trong phiên có lúc chỉ số này tăng tới 237 điểm.
Sàn Chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images) |
Hỗ trợ chính cho thị trường vẫn là đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong đó, Microsoft tăng thêm 1,6%, Amazon và Alphabet cùng tăng 1,7%, Netflix và Facebook tăng lần lượt 4,1% và 2,4%, hãng xe điện Tesla nhảy vọt 7,2% sau khi tăng hơn 12% trong phiên trước. Đây là phiên khởi sắc thứ 2 liên tiếp của nhóm công nghệ vốn hóa lớn (Big Tech) sau khi bị bán tháo mạnh trong tuần trước.
CNBC dẫn lời ông Frank Cappelleri, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Instinet nhận xét: "Thị trường đang cố chứng minh rằng mua khi giá giảm vẫn là một chiến lược đúng đắn. Dòng tiền chảy vào thị trường ở đều khắp các nhóm ngành, đây là yếu tố rất then chốt cần được duy trì".
Thị trường châu Á: Biến động trái chiều
Trong phiên giao dịch chiều 15/9, chứng khoán châu Á biến động trái chiều, khi mất đà tại Tokyo, song lại đi lên tại Hong Kong và Thượng Hải.
Các chỉ số chứng khoán tại Trung Quốc tăng phiên thứ ba liên tiếp (Ảnh: AFP) |
Cụ thể, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đi xuống, do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư sau ba phiên tăng trước đó. Chốt phiên, chỉ số này giảm 104,41 điểm (0,44%) xuống 23.454,89 điểm. Shinichi Yamamoto, một nhà môi giới tại Okasan Securities ở Tokyo, nhận định hoạt động chốt lời là điều hiển nhiên sau khi chỉ số Nikkei tăng phiên thứ ba liên tiếp.
Tương tự, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia đảo chiều giảm nhẹ 4,70 điểm (+0,08%) xuống mức 5.894,80 điểm.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong tăng phiên thứ ba liên tiếp, nhờ hy vọng vào loại vắc xin ngừa Covid-19 và số liệu khả quan về kinh tế Trung Quốc. Chốt phiên, chỉ số Hang Seng tăng 92,48 điểm (0,38%) lên 24.732,76 điểm. Tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite tăng 16,87 điểm (0,51%) lên 3.295,68 điểm.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi trên thị trường Seoul tiếp tục tăng 0,65% (tương đương 15,67 điểm) lên 2.443,58 điểm.
Thị trường Việt Nam: Rung lắc để kiểm chứng lại sức bền
Trong phiên giao dịch ngày 15/9, thị trường chứng khoán Việt Nam dù chịu áp lực bán vào cuối phiên đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột xuống dưới mốc tham chiếu khiến các chỉ số thị trường chịu áp lực rung lắc mạnh nhưng đóng cửa vẫn duy trì được sắc xanh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể rung lắc để kiểm chứng lại sức bền |
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tại mức 127,93 điểm, tăng 0,49 điểm (+0,39%). Thanh khoản đạt tổng cộng có hơn 57,69 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 607,28 tỷ đồng. Toàn sàn có 97 mã tăng, 76 mã giảm và 58 mã đứng giá.
Chỉ số HNX30 đóng cửa tăng 1,24 điểm (+0,52%) và lên mức 237,23 điểm. Khối lượng giao dịch đạt khoảng hơn 27,88 triệu đơn vị, giá trị tương ứng là hơn 385,03 tỷ đồng.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM-Index tăng điểm, đóng cửa tại mức 59,56 điểm, tăng 0,15 điểm (+0,25%). Thanh khoản toàn thị trường, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 23,05 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 273,64 tỷ đồng.
Tại sàn TP Hồ Chí Minh, chỉ số Vn-Index đóng cửa tăng 1,69 điểm (+0,19%) và lên mức 896,26 điểm. Thanh khoản đạt hơn 381,79 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 6.725,95 tỷ đồng. Toàn sàn có 209 mã tăng, 51 mã đứng giá và 201 mã giảm giá.
Chỉ số VN30 tăng 1,09 điểm (+0,13%) và lên mức 833,33 điểm. Thanh khoản đạt hơn 109,79 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 3.127,64 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu VN30 kết thúc ngày giao dịch có 13 mã tăng, 2 mã đi ngang và 15 mã giảm giá.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán MB (MBS), sự lan tỏa kém dần của dòng tiền, sự vận động cục bộ ở một vài cổ phiếu trụ riêng lẻ khiến thị trường có sức đẩy tương đối kém.
Bên cạnh đó, các thông tin như kết quả kỳ họp tới của Fed, đáo hạn phái sinh hay tái cơ cấu danh mục của quỹ ETFs… đang là yếu tố chính khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn.
Do đó, khả năng cao trong những phiên tới, thị trường sẽ trải qua các đợt rung lắc để kiểm chứng lại sức bền vốn có sau một quá trình hồi phục và đây được xem là diễn biến cần thiết để chỉ số tăng một cách bền vững.
M.K