Các nhịp rung lắc sẽ thường xuyên xảy ra. |
Dưới áp lực bán giá thấp diễn ra trên diện rộng, chỉ số VN-Index mất 10,12 điểm (-0,69%), đóng cửa tại mức 1.466,45 điểm. Đây cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất từ ngày 28/9 đến nay. Trong đó, các mã: HPG, GVR, VHM, GAS đã tác động giảm nhiều nhất lên chỉ số.
Chỉ số VN30 giảm 11,46 điểm (-0,75%) với 20 mã trong rổ mất điểm. Mặc dù nhiều mã Ngân hàng trong rổ nỗ lực lấy được sắc xanh trong phiên nhưng không thể duy trì cho đến khi đóng cửa. Tăng tốt nhất trong rổ là mã BVH (+3%), cùng với BCM và HVN đã giúp nâng đỡ thị trường chung tránh được phiên giảm sâu.
Nhìn chung, cung chốt lời diễn ra khá quyết liệt ở nhóm Bất động sản và nhóm Khu công nghiệp khi đã có chuỗi phiên tăng mạnh trước đó. Dòng tiền hướng đến các mã chưa tăng nhiều và có triển vọng như GMD, HAH hay DGW. Nhóm Phân bón và nhóm Dầu khí vẫn duy trì được sắc xanh ở phần lớn các cổ phiếu. Trong khi đó, nhóm Tài chính bao gồm Ngân hàng và Dịch vụ chứng khoán ít biến động.
Giá trị giao dịch qua kênh khớp lệnh trên HoSE vẫn ở mức xấp xỉ hôm qua, khoảng gần 32 nghìn tỷ đồng. Điểm tích cực là khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp với giá trị 208 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 0,69% với khối lượng giao dịch đi ngang so với phiên trước cũng như duy trì ở mức cao cho thấy áp lực bán vẫn còn đang mạnh. Vì vậy, khả năng điều chỉnh ngắn hạn của chỉ số VN-Index vẫn chưa chấm dứt với vùng hỗ trợ gần 1.450 - 1.420 điểm. Tuy nhiên kết phiên với một cây nến có bóng dưới dài chứng tỏ lực mua bắt đáy vẫn xuất hiện khi VN-Index điều chỉnh. Theo đó, các công ty chứng khoán vẫn bảo lưu quan điểm thị trường tiếp tục có xu hướng tăng điểm. Tuy nhiên sẽ có những phiên rung lắc, thậm chí là giảm sâu.
Theo Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), diễn biến phân hóa và luân chuyển khá năng động của dòng tiền khiến thị trường hình thành các nhịp trồi sụt nhanh và mạnh trong phiên. Điều này cho thấy, khả năng chỉ số sẽ còn phải trải qua các nhịp điều chỉnh giằng co trước khi tạo một nền giá ổn định hơn. Tuy nhiên, xu hướng tăng điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo, cơ hội phục hồi và mở rộng đà tăng của chỉ số vẫn đang được bảo lưu.
Tương tự, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, VN-Index vẫn gặp khó khăn khi tiến gần hơn đến ngưỡng 1.480 điểm. Đáng chú ý, lực mua ròng của khối ngoại là một tín hiệu đáng mừng. Nhà đầu tư nên hướng nhiều hơn đến việc "lướt sóng" cổ phiếu ngắn hạn trong giai đoạn này, đồng thời giữ lại một phần sức mua để hạn chế rủi ro cũng như có thể sẵn sàng bắt đáy trong những nhịp rung lắc trong phiên hoặc có thể là những phiên giảm sâu.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán MB (MBS) nhận xét, thị trường điều chỉnh chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Đây cũng là phiên điều chỉnh đầu tiên sau chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp của 2 nhóm này. Về kỹ thuật, VN-Index đang gặp khó khăn trước ngưỡng kháng cự 1.476 điểm nên các nhịp rung lắc sẽ thường xuyên xảy ra. Nhà đầu tư nên canh chốt lời nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi có thể mua gom đối với các cổ phiếu bluechips chưa tăng hoặc đã tạo vùng hỗ trợ.
Đồng quan điểm, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, VN-Index hụt hơi sau phiên bị cản trước 1.483 điểm. Đồng thời thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước cho thấy áp lực chốt lời vẫn đang cao, song đa phần là tập trung tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sau nhịp tăng mạnh. Nhà đầu tư nên chậm lại và đánh giá trạng thái thị trường. Đối với các cổ phiếu có yếu tố đầu cơ cao và đã tăng nhanh, nên đẩy mạnh chốt lời để giảm thiểu rủi ro cho danh mục.
Một số cổ phiếu đáng chú ý được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: SHS (Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội), DGW (Digiworld) và NTP (Nhựa Thiếu niên Tiền Phong).
H.Giang