Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục bị điều chỉnh trong phiên 12/5. |
Sau phiên đầu tuần tăng mạnh, thị trường chứng khoán trong nước đã giảm nhiệt trong phiên giao dịch ngày 11/5 trước áp lực chốt lời cùng với khối ngoại bán ròng đã khiến các chỉ số suy yếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/5, chỉ số Vn-Index giảm 3,54 điểm (0,28%) xuống 1.256,04 điểm; Hnx-Index giảm 0,50 điểm (0,18%) đóng cửa ở mức 279,76 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với giá trị khớp lệnh đạt hơn 20.787 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn biến không mấy tích cực khi bán ròng với tổng giá trị gần 330 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, thị trường chứng khoán Mỹ cũng vừa có phiên giao dịch ngày thứ Ba (11/5) đầy biến động khi các các cổ phiếu công nghệ bị bán tháo rồi lại hồi phục mạnh mẽ trong khi các nhóm ngành khác đồng loạt lao dốc.
Theo đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite có lúc sụt 2,2% nhưng kết phiên chỉ còn giảm 0,1%.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa giảm 474 điểm, tương đương 1,4%, còn 34.269 điểm. Đây là phiên tiêu cực nhất của chỉ số blue chip này kể từ ngày 26/2 trở lại đây; Chỉ số S&P 500 sụt 0,9% còn 4.152 điểm, trong tổng số 11 nhóm ngành thành phần thì có đến 10 nhóm đóng cửa trong sắc đỏ.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với thị trường chứng khoán châu Á và Châu Âu.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Asean, sau phiên tăng mạnh ngày 10/5 thì việc thị trường chững lại trong phiên giao dịch ngày 11/5 là điều dễ hiểu, nhất là khi nhiều mã cổ phiếu đã cho lợi nhuận đáng kể.
Công ty chứng khoán này dự báo trong phiên 12/5, trước diễn biến thị trường trong nước cùng với đà lao dốc của các thị trường chứng khoán thế giới, chỉ số Vn-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm định lại hỗ trợ gần tại vùng 1.250 – 1.255 điểm, bao gồm các đường trung bình động ngắn hạn MA3 ngày và MA5 ngày.
Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày 12/5.
Tương tự, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh trong phiên 11/5 với mức hỗ trợ gần nhất của chỉ số Vn-Index là 1.245 điểm.
Đồng thời, dòng tiền có dấu hiệu lan tỏa đều vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, nhưng dòng tiền vẫn còn yếu cho thấy lực cầu vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại ở các nhóm cổ phiếu này.
"Ngoài ra, chúng tôi đánh giá rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn còn cao cho nên các vị thế giải ngân mới chỉ nên dành tỷ trọng thấp", Yuanta Việt Nam khuyến nghị.
Đồng quan điểm, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, Vn-Index đang chịu áp lực chốt lời ngắn hạn, dù chưa quá lớn nhưng ít nhiều vẫn sẽ gây khó khăn cho chỉ số. Dự kiến, thị trường sẽ tạm lùi bước nhưng có khả năng sẽ được hỗ trợ tại vùng 1.245-1.250 điểm và hồi phục trở lại.
Trên góc nhìn kỹ thuật, Công ty chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội cho biết, do thị trường tiếp tục đóng cửa trên ngưỡng 1.250 điểm nên xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 được đánh giá là ngang bằng so với khả năng thị trường chuyển sang sóng điều chỉnh a.
Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 12/5, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc khi mà bên ủng hộ sóng tăng 5 và bên ủng hộ sóng điều chỉnh a gặp nhau tại vùng giá hiện tại.
Nhà đầu tư trung hạn mua vào trong các phiên 28/1-2/2 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/3-26/3 đã chốt lời khi thị trường vượt ngưỡng 1.250 điểm trong giai đoạn trước nên đứng ngoài quan sát thị trường. Những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 có thể tiếp tục và trailing stop theo đường trung bình 20 ngày đã bán ra cũng nên đứng ngoài và tiếp tục quan sát.
N.L