Theo số liệu vừa được công bố của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), dư nợ margin (cho vay ký quỹ) tính đến cuối quý I/2021 đã đạt mức 101.400 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020 và còn có thể tiếp tục tăng.
Mức tăng báo động
Margin là một hoạt động tài trợ vốn cho các nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt chỉ dành cho các nhà đầu tư trong nước. Cơ chế quản lý được UBCKNN đưa ra gồm danh mục được phép ký quỹ và tỷ trọng margin/vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán là 2 lần.
Theo đó, với số liệu về margin như vừa mới công bố, đại diện UBCKNN cho biết, một số công ty chứng khoán đã chạm tới mức trần đối với hoạt động kinh doanh này.
Tổng dư nợ margin tính đến cuối quý I/2021 đã gần chạm trần. |
Trong một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán VNDirect cũng đã chỉ ra rằng, tính đến ngày 31/3/2021, hơn 30 công ty chứng khoán trên thị trường đã cho nhà đầu tư vay hơn 110.000 tỷ đồng, là mức cao kỷ lục của chứng khoán Việt Nam.
Tại thời điểm cuối quý I/2021, giữ vị trí quán quân về dư nợ cho vay margin là SSI với 10.878 tỷ đồng, tăng 20,7% so với đầu năm, trong khi vốn chủ sở hữu đang là 11.167 tỷ đồng.
Với 8.876 tỷ đồng, Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) xếp thứ hai. Ở vị trí tiếp theo là Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) với danh mục cho vay margin 5.664 tỷ đồng; KIS Việt Nam là 4.921 tỷ đồng; VCSC cho vay 4.573 tỷ đồng; MBS là 4.072 tỷ đồng…
Theo tính toán của ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset, nếu theo báo cáo kiểm toán năm 2020 của các công ty chứng khoán, lượng margin có thể tăng thêm 10.000-15.000 tỷ đồng. Lý do vì đang có nhu cầu mở rộng lượng cho vay tuyệt đối lên bằng cách đưa lợi nhuận của năm 2020 vào vốn chủ sở hữu, hoặc tăng vốn điều lệ thì tổng lượng margin của thị trường có thể lên tới 200.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD).
Tuy nhiên, hồi cuối tháng 1 vừa qua, UBCKNN cũng đã công bố lượng margin toàn thị trường đã đạt khoảng 85.000 tỷ đồng. Do đó, giai đoạn hiện tại chỉ có thể tăng lên khoảng 10-15% (dưới 100.000 tỷ), trong khi con số hiện nay đã vượt ước tính này.
Thực tế, lượng cho vay margin tăng nhanh chủ yếu do sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán suốt từ đầu năm 2021 đến nay. Nhất là khi chỉ số Vn-Index đã có được những phiên giao dịch đạt tỷ đô, thanh khoản tăng vọt trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM.
Những con số này được dự báo có thể sẽ còn tiếp tục tăng khi mà các nhà chức trách khắc phục được lỗi giao dịch sàn HoSE, kích thích tâm lý nhà đầu tư đổ dồn sự quan tâm vào thị trường.
Tín hiệu xấu?
Cũng phải nhắc lại, trên thị trường chứng khoán, việc sử dụng đòn bẩy tài chính là margin khá phổ biến với các nhà đầu tư. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chỉ số chứng khoán biến động rất mạnh trong năm 2009, và sau đó lao dốc trong năm 2010 và 2011.
Bởi lẽ, tính rủi ro hệ thống của thị trường thường tăng lên tương ứng với mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính trung bình của nhà đầu tư. Khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ lập tức bán ra khi đã chạm ngưỡng cắt lỗ của mình nhằm giảm thiểu rủi ro.
Điều này tạo ra một lượng cung áp đảo lực cầu và khiến chỉ số tiếp tục đi xuống sâu hơn. Ngược lại, sau khi tạo đáy và đi lên, thị trường cũng sẽ gặp những lực cản mạnh từ những người sử dụng margin và chưa cắt lỗ khi thị trường đi xuống.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, quy mô của thị trường đã đi vào tầm cao mới, đặc biệt trong hơn 4 tháng qua, chỉ số Vn-Index đã vượt đỉnh 1.200 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao nhất từ khi thành lập thị trường đến nay, thậm chí có những phiên giao dịch đạt 1 tỷ USD.
“Điều này cho thấy có nhiều dòng tiền mới vào thị trường, không chỉ từ margin ”, đại diện UBCKNN cho biết.
Ngoài ra, thị trường Việt Nam có nhiều yếu tố nền tảng tốt vì không gian để các doanh nghiệp tăng lợi nhuận hay quy mô còn lớn. Mặc dù cùng so với thời điểm đáy cuối tháng 3/2020, Vn-Index đã tăng gần 90%, trong khi S&P500 chỉ ghi nhận khoảng 60%.
Nhìn chung, ký quỹ là nhu cầu tất yếu của nhà đầu tư và hơn ai hết họ hiểu được cốt lõi vấn đề nằm ở "high risk high return - lợi nhuận cao đồng nghĩa với rủi ro cao”. Vì vậy, theo TS. Võ Đình Trí - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global, trước tình trạng sắp báo động của margin như hiện nay, nhiều khả năng sẽ bị siết lại, cần xem lại việc cấp margin của các công ty chứng khoán gần đây...
"Những nhà đầu tư mới sẽ rất khó có cơ hội tạo được lợi nhuận lớn, trong khi đó thị trường hoàn toàn xảy ra những điều chỉnh nhỏ với những thông tin tiêu cực từ trong nước hay quốc tế. Thêm vào đó, những nhà đầu tư cũ với mức sinh lợi thời gian qua đã khá cao, rất dễ chốt lời và đẩy nhà đầu tư mới vào thế kẹt hơn", TS. Võ Đình Trí nói.
Minh Khuê