Hạn chế sử dụng đòn bẩy ở nhóm Midcap và Smallcap. |
Phiên giao dịch ngày 10/11, chỉ số VN-Index liên tục trồi sụt quanh mốc tham chiếu. Đóng cửa, VN-Index tăng 3,52 điểm (+0,24%). Thị trường trong trạng thái lưỡng lự nên thanh khoản duy trì ở mức ổn định 28,3 nghìn tỷ đồng giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE. Trong đó, rổ VN30 có 13 mã giảm và 13 mã tăng, phân hóa khá cân bằng, đóng cửa giảm nhẹ 3,34 điểm (-0,22%).
Cuối phiên, PLX dư mua trần với khối lượng giao dịch tăng vọt lên 7,3 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu trong nhóm Dầu khí cũng giao dịch khả quan như PSH dư mua trần, PVS tăng 6,5%, BSR tăng 4,9% và OIL tăng 4%. Nhóm Khí có nhiều mã dư mua trần vào cuối phiên như CNG, GSP, PGS, ASP.
Phần còn lại của thị trường không có diễn biến nào mới đáng chú ý. Nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ vẫn ghi nhận nhiều mã tăng vượt trội thị trường chung giúp chỉ số VNMidcap và VNSmallcap tăng lần lượt là 1,1% và 1,19%. Trong đó, đóng góp chính vẫn từ các mã đang có động lực tăng mạnh như ở nhóm Phân bón (DCM, DPM), Bất động sản (DIG, SCR, HDC, LDG, CII), Xây dựng (HBC, FCN).
Điểm trừ là khối ngoại bất ngờ quay đầu đẩy mạnh bán ròng với giá trị 806 tỷ đồng trên HoSE.
VN-Index xuất hiện mẫu hình nến Doji cho thấy tâm lý giằng co của nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường đóng cửa tăng điểm đi kèm số mã cổ phiếu tăng giá vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn cho thấy đà tăng giá của thị trường vẫn rất mạnh. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì trên mức trung bình 20 phiên gần nhất thể hiện dòng tiền vẫn đang duy trì khá ổn định.
Theo SSI Research, khối lượng giao dịch chung giảm nhẹ 4,5% cho thấy xu hướng tăng của chỉ số chưa bị ảnh hưởng. Dù chưa vượt mức đỉnh gần nhất nhưng chỉ số VNIndex vẫn đang nằm trong giai đoạn tăng hướng đến vùng mục tiêu tiếp theo là 1.500 điểm. Tuy nhiên, các nhịp rung lắc hoàn toàn có thể xảy ra.
Tương tự, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường vẫn dao động bên dưới ngưỡng 1.470 điểm trong 3 phiên vừa qua. Mặc dù thanh khoản luôn duy trì ở mức cao với 28.000 tỷ đồng khớp lệnh và 1 tỷ cổ phiếu được trao tay mỗi phiên trên sàn HSX, nhưng dòng tiền vẫn lưỡng lự trước nhóm VN30 và có phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Cơ hội trên thị trường vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi các chỉ số Midcap và Smallcap đều lập các đỉnh cao mới. Nhóm cổ phiếu bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí,… có thể là nhóm tín hiệu.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị, thị trường sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và nhóm vốn hóa lớn có thể sẽ còn tiếp tục điều chỉnh Đồng thời, rủi ro ngắn hạn trên nhóm vốn lớn tiếp tục gia tăng dần cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua vào nhóm cổ phiếu này. Bên cạnh đó, hai chỉ số VNMidcap và VNSmallcap xác lập mức cao kỷ lục, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mua đuổi và sử dụng đòn bẩy cao ở hai nhóm cổ phiếu này.
Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và hạn chế mua vào thêm ở giai đoạn hiện tại hoặc chỉ nên xem xét mua mới với tỷ trọng thấp để thăm dò cơ hội ngắn hạn. Đồng thời, nên hạ dần tỷ lệ đòn bẩy về mức thấp.
3 mã cổ phiếu mà nhà đầu tư cần quan tâm trong phiên ngày 11/11 mà các công ty chứng khoán đưa ra là: HDC (CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu), HT1 (CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên) và SWC (Tổng CTCP Đường sông Miền Nam).
H.Giang