Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 175/TB – VP ngày 19-3-2020, giao Chánh Thanh tra thành phố thành lập đoàn Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại Saigon Co.op. Ngày 3-4-2020, Chánh Thanh tra Thành phố ban hành Quyết định số 60/QĐ-TTTP-P2 về thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại Saigon Co.op.
Vấn đề lớn được “phát lộ”
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lại kết luận của Thanh tra TP.HCM có khá nhiều vấn đề còn tồn đọng tại Saigon Co.op như công tác quản trị, quản lý nguồn vốn và tài sản được giao, phân phối thu nhập....trong đó việc tăng vốn điều lệ năm 2020 là vấn đề cần chú ý hơn cả.
Cụ thể, tại Đại hội thành viên bất thường của Saigon Co.op được tổ chức hồi đầu năm đã thống nhất tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên hơn 6.797 tỷ đồng theo phương án huy động vốn từ các thành viên.
Theo báo cáo của Saigon Co.op đã có 20/26 hợp tác xã (HTX) thành viên góp vốn với tổng số tiền lên tới hơn 3.597 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra kết quả hoạt động sản xuất trong các năm 2018-2019 nhiều HTX kinh doanh hiệu quả lợi nhuận lên tới 5-6 tỷ đồng lại không tham gia góp vốn.
![]() |
Saigon Co.op huy động vốn từ nguồn lực bên ngoài HTX để tăng vốn là trái quy định |
Các thành viên tham gia góp vốn với số tiền hàng trăm tỷ đồng hầu hết là các HTX chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 đến 500 triệu đồng/năm. Thậm chí một số đơn vị kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn góp số tiền lên tới 247 tỷ đồng.
Lý giải về động thái “lạ đời” này với thanh tra các HTX tham gia góp vốn cho biết, đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài và có trường hợp ký hợp đồng hợp tác với các cá nhân không thuộc HTX.
Điều này cho thấy đã có các cá nhân, tổ chức thông qua HTX thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op bởi lẽ tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt được của Liên hiệp luôn duy trì mức 26-39% trên vốn góp.
Theo cơ quan thanh tra, nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.
Cũng theo thanh tra thành phố, tại Saigon Co.op còn có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản được hình thành từ khi thành lập đến nay xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản của Nhà nước – việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Về sự việc ồn ào liên quan đến Đại hội thành viên mới đây của Saigon Co.op, thanh tra thành phố cho biết đã gửi văn bản đề nghị Chủ tịch HĐQT Liên hiệp tạm đình chỉ cho đến khi có kết luận chính thức và ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền nhưng đại hội vẫn được tổ chức thông qua nhiều tờ trình quan trọng. Việc này là vi phạm pháp luật thanh tra.
Trách nhiệm người đứng đầu
Tại Kết luận của cơ quan thanh tra, các vấn đề tại Saigon Co.op là thuộc về HĐQT, Thành viên liên hiệp, Ban Tổng giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân có liên quan tại các thời kỳ.
Theo đó, ngay buổi chiều ngày công bố kết luận thanh tra (27/7), ông Dương Ngọc Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Tp.HCM đã thay mặt Ban thường vụ Thành ủy ban hành quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, các vai trò Ban chấp hành, Ban thường vụ và Bí thư Đảng ủy tại Đảng bộ Saigon Co.op của ông Diệp Dũng – Chủ tịch HĐQT Liên hiệp.
Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Tp.HCM, ông Diệp Dũng đã tổ chức chỉ đạo huy động tăng vốn trái pháp luật; tổ chức Đại hội thành viên thường niên trái pháp luật; thực hiện công tác cán bộ trái quy định của Đảng và không trung thực với tổ chức khi có yêu cầu báo cáo.
![]() |
Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op bị đình chỉ nhiều chức vụ |
Trước đó, ông Diệp Dũng được Thành ủy chỉ định tham gia các chức vụ nói trên tại Saigon Co.op nhiệm kỳ 2015-2020 và giới thiệu bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT từ cuối tháng 8/2015.
Bên cạnh việc quy kết trách nhiệm cho người đứng đầu, thanh tra TP.HCM cũng kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo yêu cầu Saigon Co.op nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật thanh tra như: tạm ngưng thực hiện các nội dung liên quan đến kết luận thanh tra và không thay đổi nhân sự Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các phòng ban đến khi có kết luận xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của người có thẩm quyền.
Ngoài ra, Saigon Co.op chủ trì phối hợp với Sở Tài chính khẩn trương xây dựng quy chế để quản lý, mở sổ theo dõi chặt chẽ tài sản không chia tích lũy qua các năm được tiếp nhận từ Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán thành phố (tiền thân của Saigon Co.op)chuyển sang đến nay (từ năm 1999); nguồn tài trợ khác; Saigon Co.op có nghĩa vụ sử dụng có hiệu quả, bảo toàn, phát triển.
Đồng thời, tổ chức rà soát kiểm tra, làm rõ nguồn vốn góp của các HTX thành viên; đề xuất phương án xử lý số vốn điều lệ tăng từ vốn, tài sản không chia; số tiền huy động năm 2020 tăng vốn điều lệ không đúng quy định…Đặc biệt, hành vi huy động vốn trái pháp luật và có dấu hiệu thâu tóm được đề nghị chuyển hồ sơ sang công an để điều tra.
Như Thời báo Kinh doanh đã đưa tin trước đó, tại Đại hội thành viên thường niên vừa được tổ chức cách đây ít ngày của Saigon Co.op đã xảy ra nhiều sự việc hy hữu liên quan đến các lãnh đạo của Liên hiệp. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội thành viên thường niên năm 2020 của Saigon Co.op số 13/NQ-ĐHTV ngày 24/7/2020 cho biết, đại hội thông qua tờ trình của các HTX thành viên về việc bãi nhiễm tư cách thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 với ông Nguyễn Anh Đức từ ngày 24/7/2020 và giao HĐQT cách chức Tổng giám đốc của ông Đức và ông Phạm Trung Kiên - thành viên ban Tổng giám đốc. Bên cạnh đó, đại hội chấp thuận việc rút vốn của các HTX thành viên có yêu cầu gửi đến Saigon Co.op. Đồng thời thông qua phương án huy động vốn và kết quả tăng vốn điều lệ, tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết số 11/NQ-ĐHTV ngày 6/7/2019. |
N.L