![]() |
FPT đã tiến hành khảo sát hệ thống giao dịch của HoSE trong 5 ngày. |
Theo đó , Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý sự cố hệ thống giao dịch tại Sở GDCK TP.HCM (HoSE) do Lãnh đạo Bộ Tài chính làm Trưởng ban, Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) làm Phó ban, cùng với các thành viên từ một số đơn vị thuộc Bộ, các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) để chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp xử lý tình trạng nghẽn lệnh.
Các giải pháp đều sẽ được cân nhắc kỹ với sự tham gia ý kiến của các tổ chức, đơn vị liên quan, các chuyên gia đầu ngành trước khi thực hiện để tránh gây ra hiểu nhầm hoặc ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cụ thể, cơ quan quản lý đã cho phép công ty cổ phần FPT thực hiện khảo sát hệ thống giao dịch của HoSE từ ngày 15-19/3/2021 trên cơ sở đề xuất của FPT để xây dựng phương án kỹ thuật chi tiết xử lý sự cố, đồng thời cho phép FPT có thể mở rộng khảo sát hệ thống tại HNX và VSD (nếu cần thiết).
Sau đợt khảo sát, FPT sẽ có báo cáo đề xuất phương án xử lý cụ thể để Bộ cân nhắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
HoSE cho biết đang phối hợp với FPT triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN để tạo ra một giải pháp giảm tình trạng quá tải hiện nay của HoSE. Đây là giải pháp sử dụng phần mềm hệ thống giao dịch đang được sử dụng tại HNX và sẽ triển khai trên nền tảng hạ tầng tại HoSE để có thể thay thế hệ thống khớp lệnh của HoSE.
Giải pháp này giảm thiểu việc tác động, thay đổi đối với hệ thống của các công ty chứng khoán. Mục tiêu đặt ra là hệ thống sẽ xử lý được khoảng từ 3-5 triệu lệnh một ngày. Đây là giải pháp tối ưu bởi thời gian triển khai cũng như các rủi ro về góc độ hệ thống. Theo khảo sát, phân tích và đánh giá của FPT thời gian dự kiến để triển khai hệ thống là khoảng 3 đến 4 tháng.
Có quan điểm cho rằng, các giải pháp giảm tải cho sàn HoSE trong lúc chờ đợi giải pháp về công nghệ của FPT vẫn đang rất cần được thảo luận công khai để giúp cho Tổ công tác xử lý nghẽn lệnh của Bộ Tài chính có thêm nguồn thông tin tham khảo nhằm đưa ra giải pháp phù hợp nhất.
Liên quan đến việc “Vì sao HoSE liên tục nghẽn lệnh nhưng vẫn nhận và niêm yết mới bổ sung hàng tỷ cổ phiếu mới khiến tình trạng quá tải lệnh khó có thể khơi thông?”
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, những doanh nghiệp niêm yết mới là những doanh nghiệp đã được chấp thuận niêm yết và đã hoàn tất thủ tục niêm yết và giao dịch theo đúng quy định. HoSE đã thực hiện không tiếp nhận hồ sơ niêm yết mới.
Theo đó, các cơ quan quản lý đang cân nhắc hướng giải quyết đối với các doanh nghiệp dự kiến niêm yết mới tại HoSE trong thời gian tới và sẽ sớm có giải pháp để đảm bảo không gây quá tải lên hệ thống giao dịch, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Được biết, công suất xử lý lệnh của HoSE được thiết kế sử dụng cách đây 20 năm, chỉ nhận 900.000 lệnh/phiên và hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các công ty chứng khoán.
Trong đó, hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng, 80% còn lại phân bổ cho công ty theo 2 vòng. Vòng 1, phân bổ đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh; vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được phân bổ dựa theo số lệnh trong quá khứ của từng công ty và toàn thị trường.
Cách phân bổ này nhằm tối ưu hóa tài nguyên của hệ thống đang vận hành. Tuy nhiên, khi gần đạt mức tối đa, hệ thống sẽ có biện pháp bảo vệ tránh bị dừng hoạt động, khiến lệnh vào chậm.
Để khắc phục sự cố này, cuối tháng 12/2020, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN phối hợp với đơn vị liên quan, tiến hành khảo sát hệ thống, đưa ra phương án khả thi và áp dụng một số giải pháp hành chính như nâng lô từ 10 lên 100 và có công văn khuyến nghị công ty niêm yết chuyển niêm yết sang HoSE. "Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ là tạm thời", đại diện các cơ quan liên quan đều khẳng định.
Do đó, việc thay thế sang hệ thống giao dịch mới để đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của thị trường là nhu cầu cấp thiết nên Bộ Tài chính đã yêu cầu HoSE và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án đưa hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới (KRX) vào hoạt động.
Theo kế hoạch, dự án này đã có thể hoàn thành trong năm 2020, nhưng do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến công tác hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài nên tiến độ dự án bị kéo dài.
M.K