Mô hình trồng cam mới này là của chị Nguyễn Thị Lê Na, sinh năm 1986, tại xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). Vườn cam sinh thái hơn 1ha của Na đang phát triển tốt và đã cho quả ngọt.
Tốt nghiệp Học viện báo chí tuyên truyền, Na thử sức ở nhiều vị trí công việc nhưng không ở đâu được lâu buộc cô phải “lập gia rồi mới lập nghiệp”.
![]() |
Lê Na bên vườn cam sinh thái được trồng và chăm sóc bằng chế phẩm sinh học
Những lần về quê Quỳ Hợp, thấy người dân trồng cam rất dễ, bán lại được giá, trong đầu Na chợt loé lên: hay là trồng cam?! Nhưng trồng bằng cách nào, người tiêu dùng đang hướng đến sản phẩm sạch tự nhiên, chẳng lẽ mình lại trồng theo quy trình truyền thống?
Một mình “ôm” không nổi, Na thuê hẳn kỹ sư tốt nghiệp Đại học nông nghiệp I và một người có kinh nghiệm làm vườn lâu năm cùng thực hiện.
Đầu năm 2015, người dân xã Minh Hợp huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) tròn mắt khi Na vay mượn mua gần 2 ha đất đồi thực hiện mô hình trồng cam dùng chế phẩm sinh học.
![]() |
Các ban ngành chức năng tỉnh Nghệ An tham quan mô hình cam sinh thái
Để có phân bón, Na đã dùng vỏ trấu ủ rồi mua phân bò về ủ kết hợp phân xanh, rơm, rạ… Thiếu muối khoáng, họ cất công xuống các xã ven biển mua hàng tấn xác mắm cá về ủ rữa để bón.
Na cười, kể về việc cho cây cam “ăn” xác mắm cá: “Tôi đã từng đưa lên miệng nếm thử vì nghĩ người ăn vừa thì cây cũng vậy”.
Trồng cam theo mô hình truyền thống chỉ cần phun thuốc trừ sâu theo từng loại bệnh. Nhưng với cam sinh thái, việc ngừa bệnh bằng chế phẩm sinh học gian nan và công phu hơn nhiều.
Ngoài việc dùng dung dịch tỏi ớt để phun trừ rầy, nước cây bồ hòn để trừ sâu vẻ bùa, tro bếp trừ sâu độc than,…Na và các kỹ sư đã cho trồng cây dẫn dụ, hoặc xen canh cây khác để giãn sâu bệnh như cây ổi trừ rầy chổng cánh, trồng hàng rào sinh thái để ngăn sâu bệnh của các vườn cam xung quanh tràn sang.
Trên mỗi gốc cam sinh thái được Na đánh mã số vị trí, hàng, loại cây và được nhập vào phần mềm máy tính để thuận lợi trong theo dõi quy trình chăm sóc, khoanh vùng sâu bệnh.
![]() |
Quản lý Hùng kể về những gốc cam sinh thái được đánh mã số
Thấy triển vọng, Na đang xuống giống 3ha theo mô hình cam sinh thái kết hợp tưới phun mưa hoặc nhỏ giọt. Chưa kể, cô còn có ý định xây dựng vườn ươm cam giống cho riêng mình, nếu thành công sẽ nhân rộng để bán. Hiện, trang trại của Na đang có thêm 1ha cam sinh thái chuẩn bị cho quả.
Trong quá trình chăm sóc cam, hầu hết những quả xấu, thậm chí dù chín nhưng bị nám, sâu một phần… đều bị vứt bỏ. Tiếc công, tiếc của, Na lại nghĩ đến việc tận dụng những loại cam này.
Để thực hiện ý tưởng, cô lại cất công lên mạng tìm kiếm thông tin về việc chế biến mứt cam, tinh dầu… Những quả cam bị lỗi, vỏ xấu, bị sâu một phần… được hái xuống rồi bóc tách ruột và vỏ.
Vỏ sau khi rửa sạch được cắt thành sợi, luộc, ướp đường sấy khô để thành mứt vỏ. Còn ruột, được xay nhuyễn, ép lấy nước, pha thêm đường và mật ong rồi cô đặc lại thành mứt nước.
Còn sản phẩm tinh dầu, Na đã sử dụng vỏ xay nhuyễn cho vào nồi chưng cất theo cách nấu rượu truyền thống để tách lọc tinh dầu. Na cũng đang có ý định chế xà bông từ nước cam và sáp ong…
Hiện tại, các sản phẩm chiết xuất từ cam bán ra chưa nhiều do đang trong giai đoạn nghiên cứu thị trường, hoàn thiện các thủ tục giấy tờ để lưu hành, chưa tìm được đối tác đạt chuẩn để hợp tác gia công.
Nhưng tín hiệu thị trường về cam sinh thái và các sản phẩm chiết xuất từ cam là rất tốt. Các sản phẩm đã được nhiều siêu thị, cửa hàng quan tâm, một vài mẫu của mứt nước cam, tinh dầu, xà bông… được gửi đi Nhật, Nga cũng được đánh giá cao.
Na quả quyết: Sắp tới mình sẽ tính toán lượng hàng sản xuất để bán quanh năm. Ước muốn của mình là sẽ đưa sản phẩm cam quả từ mô hình sinh thái, các sản phẩm chiết xuất từ cam… vươn ra thị trường thế giới.
Thanh Hải