![]() |
Để cân bằng được cuộc sống truyền thống trên vai trò làm vợ và mẹ của hai nhóc tỳ, Mơ đã phải cật lực làm việc nhiều giờ hết sức vất vả nhưng vẫn có tâm trạng không chắc chắn vì bị chi phối bởi nhiều điều khác, trong khi đó cô luôn khao khát theo đuổi và muốn thực hiện ước mơ của mình. Vì vậy, cô đã bỏ công việc đang làm và quyết định thành lập công ty riêng của mình. Sau sáu tháng trời đằng đẵng, khi khách hàng đầu tiên xuất hiện, cô cảm thấy như được ghi nhận về những nỗ lực của mình và từ đó, cô luôn hướng về phía trước thẳng tiến mà không còn lo ngoái đầu nhìn lại.
Con đường dẫn tới kinh doanh
Đến từ một tỉnh miền núi Việt Nam, Mơ học tiếng Anh trong trường đại học nhưng thậm chí cô đã không thể tự tin nói chuyện bằng ngôn ngữ này. Rồi cô trở thành thực tập sinh cho PLAN, nơi cô được tiếp xúc, làm việc trong môi trường quốc tế và sau khi ra trường, cô đã làm việc cho Tổ chức tình nguyện vì hòa bình Việt Nam (Volunteers for Peace Vietnam – VPV). Chính tại nơi đây, cô đã nhận thấy mình muốn làm việc với và làm việc cho những người trẻ tuổi.
Trong một chuyến công tác tới Mỹ, Mơ đã bị sốc khi thấy vẫn có nhiều người còn thiếu hiểu biết Việt Nam. “Một số người nghĩ Việt Nam vẫn là một nước nghèo thuộc thế giới thứ ba trong khi một số cho rằng Việt Nam vẫn đang còn chiến tranh. Chính điều này, ngay thời điểm đó, khiến tôi nhận thấy rằng mình thực sự đã có thể làm được một điều gì đó để giáo dục mọi người về đất nước này”, cô chia sẻ.
SE Việt Nam, có trụ sở chính ở Hà Nội nhưng mới đây vừa mở thêm văn phòng mới tại Tp.HCM, là nơi cung cấp các chương trình thực tập trong những ngành nghề khác nhau như: nông nghiệp, du lịch và khách sạn, công nghệ thông tin, phát triển kinh doanh, giáo dục, phát triển cộng đồng và công tác xã hội, kỹ sư, y tế, môi trường và tài chính.
“Cho tới nay, chúng tôi đã tổ chức cho hơn 200 sinh viên nước ngoài thuộc 17 quốc tịch khác nhau tới thực tập tại Việt Nam. Đa phần sinh viên đến từ Mỹ, Úc và Nhật Bản với hầu hết đều đăng ký tham gia vào lĩnh vực kinh doanh, y tá và kỹ sư môi trường”, Mơ cho biết.
SE Việt Nam giúp các sinh viên giảm được đáng kể chi phí khi tham gia thực tập tại Việt Nam vì công ty đã loại bỏ được những người trung gian vốn hay tính phí “cắt cổ” cho các dịch vụ mà họ cung cấp. Mơ nói: “Đối với một chương trình thực tập bốn tuần đơn giản ở Việt Nam, bản thân mỗi sinh viên có thể phải trả tới 4.000 USD. Nhưng với chúng tôi, chi phí chỉ nhỉnh hơn mức 1.500 USD một chút không đáng kể”.
Những bài học thu được
Ý tưởng cho việc khởi nghiệp kinh doanh của Mơ chính là lôi kéo sinh viên nước ngoài tìm hiểu về Việt Nam song bản thân cô cũng đã học được vài điều về giáo dục thực tiễn trong việc trở thành một nhà lãnh đạo và một doanh nhân.
Và đây là những bài học hữu ích nhất mà Mơ thu được trên con đường khởi nghiệp của mình.
1. Con người là tài sản đáng giá nhất của tổ chức
SE Việt Nam hiện có 10 thành viên trong đội ngũ làm việc với 7 người làm toàn thời gian và 3 người là thực tập sinh. Mơ bảo: “Một công ty khởi nghiệp không có nhiều tiền để tuyển dụng những người có kinh nghiệm và quan trọng hơn cả là bạn không thể giữ chân họ được lâu dài. Vì vậy, hãy truyền cảm hứng cho mọi người bằng chính những gì bạn đang làm. Có như vậy, bạn mới tìm ra những người có cùng đam mê với mình”.
2. Biết cân đối thu chi
Khi mới thành lập một công ty khởi nghiệp, công ty sẽ không có nhiều tiền nên tài chính thực sự không phải là vấn đề lớn. Nhưng khi doanh nghiệp phát triển, bạn chắc chắn cần một người có khả năng bảo đảm được việc cân đối thu chi về tài chính. “Điều này không chỉ mỗi việc công ty sẽ chi tiêu hoặc đầu tư bao nhiêu tiền mà nó còn liên quan tới các vấn đề về luật pháp và thuế”, Mơ cho biết và cô nhấn mạnh rằng đây là những việc thực sự rất quan trọng ở Việt Nam.
3. Có cố vấn
Các nhu cầu đối với một doanh nhân có thể trở nên nặng nề và chồng chất, đặc biệt khi chúng được kết hợp với những lo lắng trong cuộc sống cá nhân của mỗi người. Đối với Mơ, cô luôn xem Đậu Thúy Hà như một nhà cố vấn chuyên nghiệp và là một người bạn quý, người luôn đưa đến cho cô những lời khuyên khôn ngoan. Mơ bộc bạch: “Chị ấy giống như một người chị của tôi”.
4. Luôn nhìn vào khía cạnh tích cực
Mơ bảo thời gian đầu mới khởi nghiệp cô cũng thấy lo sợ nhưng vốn là một người lạc quan nên cô nhanh chóng vượt qua được cảm giác chông chênh khi đó cùng ý nghĩ phải nộp lại đơn xin việc vào một công ty mới.
Còn những ngày này, cô đang cảm thấy hạnh phúc bởi công ty nhận được rất nhiều lời mời trở thành đối tác. Tuy nhiên cô luôn tự hỏi, liệu có phải công ty phát triển nhanh quá không cho dù đang đi đúng hướng? Do đó, dù lạc quan nhưng cô không hề lơ là mục tiêu vì cô biết nhân lực công ty vẫn chưa đủ để thực hiện được hết các chương trình. Và thực tế, tất cả điều này không phải là “những khó khăn” mà là “các thách thức” nên đối với Mơ, khi gặp phải sự trở ngại, cô chỉ luôn tâm niệm rằng cô tin tưởng vào những gì mình làm.
Mộc Miên