![]() |
Sản phẩm của công ty đạt Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, công ty không chỉ giữ vững mà còn liên tục mở rộng thị phần, đóng góp to lớn trong việc bảo tồn nguồn gen quý, nâng tầm giá trị các giống gia cầm đặc sản của Việt Nam.
Bán nhà lấy tiền mua thức ăn cho gà
Năm 1991, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Phạm Văn Lượng chứng kiến cuộc sống của nhân dân quê mình cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, cái đói, cái nghèo cứ bủa vây.
Sau thời gian dài trăn trở, vợ chồng anh Lượng quyết định chăn nuôi gà. Ban đầu do vốn ít, vợ chồng anh xuống nông trường Thành Tô mua 50 con gà trắng về nuôi. Gà lớn, anh chị mang vào các chợ trong thành phố bán, người dân xúm vào xem vì giống lạ mắt (to béo, lông trắng muốt). Sau khi bán hết 50 con gà thấy có lãi, anh từng bước nuôi gà với số lượng lớn dần.
Đầu năm 1996, khi anh vừa nhập 2.000 gà giống siêu thịt ở Pháp về, một công nhân do sơ suất đã làm cháy phân xưởng, thiêu rụi sạch hết cả gà. Thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng.
Chưa hết, năm 2005, bùng phát dịch cúm gia cầm. Khi đó, trại gà của anh có khoảng hơn 2 vạn gà đang đẻ trứng... nằm trong vùng dịch. May mắn, lực lượng chức năng về kiểm tra thấy gà khỏe, bảo đảm nên không phải tiêu hủy. Tuy nhiên cũng không thể tiêu thụ được vì đang nằm trong vùng có dịch. Để duy trì đàn gà khỏe mạnh, không bị chết đói, vợ chồng anh quyết định bán sạch nhà cửa đang ở để lấy tiền mua thức ăn cho gà để duy trì hết đợt dịch bệnh. Nhớ về quãng thời gian này, anh Lượng bùi ngùi: “Gà thì không bán được, đi đâu cũng bị người ta xa lánh, không dám ngồi gần vì nghĩ ngồi gần dễ mắc bệnh... cúm”.
Đến khi Hải Phòng công bố hết dịch cúm gia cầm, cũng là lúc nhiều trang trại đóng cửa, không nuôi gà nữa, nhưng đàn gà của anh Lượng vẫn được bảo vệ tốt không thất thoát về số lượng. Thời cơ đến, bán gà đi anh Lượng đã thu hồi được vốn và có lãi. Trải qua những đợt dịch bệnh, biến cố lớn, anh Lượng rút ra kinh nghiệm: Muốn trang trại phát triển, phải đầu tư chăn nuôi khép kín, cứ thế anh bắt tay vào học hỏi, đầu tư.
Đến nay, Lượng Huệ đã trở thành một trong những thương hiệu đi đầu trong ngành chăn nuôi gia cầm, có lợi thế bứt phá trong việc tổ chức chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín. Công ty đã làm chủ và kiểm soát hoàn toàn chất lượng các mắt xích trong chuỗi: sản xuất, chăn nuôi giống gia cầm, thủy cầm thịt; phát triển con giống chất lượng cao; chế biến, giết mổ và bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm sạch; nghiên cứu và sản xuất thức ăn chăn nuôi dành riêng cho gà bản địa; tạo dựng hệ thống trang trại chăn nuôi vệ tinh quy mô. Đồng thời đây cũng là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng phương pháp an toàn sinh học vào sản xuất - chăn nuôi theo mô hình VietGAP với quy mô lớn.
![]() |
Một trong những trại gà vệ tinh bà con nông dân hợp tác với công ty
Hiện giống gia cầm của công ty được bán đi tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Trước khi bán, con giống đều được tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh, có nguồn gen tốt. Năm 2016, công ty bán ra thị trường khoảng 15 triệu con giống các loại (gà ta, gà màu, gà công nghiệp…), 1,5 triệu quả trứng; 1 triệu con gà thịt được giết mổ và bán vào các siêu thị, cung cấp gà thịt cho các bếp ăn tập thể với số lượng: 1.000 con gà ta/tháng cho khu công nghiệp Tràng Duệ, 4 - 6 tấn thịt gà các loại cho khu công nghiệp Vsip, cung cấp thịt gà cho hàng loạt trường học ăn bán trú… bởi gà ta của công ty được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng: thịt thơm, ngọt, da vàng, độ mềm đạt chuẩn.
“Sạch từ tâm”
“Lợi ích bền vững của doanh nghiệp luôn gắn liền với giá trị mà doanh nghiệp đó tạo ra cho cộng đồng”, lãnh đạo công ty tâm niệm.
Ông Phạm Văn Lượng - Giám đốc công ty chia sẻ: “Tôi thường tới trang trại từ rất sớm, khi đàn trống choai còn chưa kịp dậy tập gáy. Đi dọc khu chuồng trại rộng dài san sát mà nhớ về “đàn gà khởi nghiệp” năm xưa, tôi thấy bài học về thành công thật giản dị. Dù lưới quây bốn bề, nhưng nếu có một chỗ hổng nhỏ thì đàn gà sẽ bới tung để trốn, mà thả gà ra đuổi thì mệt vô cùng! Tôi nghiệm ra rằng, sức bền của cả vòng lưới không hơn sức bền của mắt lưới yếu nhất. Vì thế, phải làm tốt ở mọi khâu, phải tốt ngay từ đầu”!
Xác định như vậy, nhưng phải có “Tâm xứng Tầm”. Bởi có muốn mà không đủ năng lực thì cũng không thể làm tới nơi tới chốn. Với quyết tâm đầu tư mạnh mẽ, xây dựng theo mô hình tiên tiến nhất, áp dụng triệt để các quy trình khép kín hiện đại nhất… hiện công ty là doanh nghiệp gia cầm hiếm hoi tại Việt Nam đã hoàn thiện mô hình chăn nuôi khép kín theo phương pháp an toàn sinh học, cùng khát vọng xây dựng và sở hữu trung tâm giết mổ gia cầm lớn nhất các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Đây là điều kiện cho phép công ty đảm bảo sản phẩm của mình “Sạch từ trong trứng sạch ra”, “Sạch từ sản xuất tới tiêu thụ”, “Sạch từ trang trại đến bàn ăn” và hơn hết là “Sạch từ Tâm”, “khách hàng không phải là thượng đế mà là người thân”.
Không chỉ làm giàu cho mình, với quan điểm liên kết chặt chẽ bốn nhà (Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông), nên bằng trình độ khoa học kỹ thuật, thương hiệu, uy tín, mạng lưới, quan hệ… công ty là cầu nối gắn kết chặt chẽ để mỗi bên đều có lợi và phát huy tổng lực của toàn mối liên kết. Công ty đang liên kết với những nông dân có chí hướng làm giàu để mở thêm các trang trại vệ tinh. Người chăn nuôi bỏ công sức, chuồng trại và được nhận công xứng đáng, phía công ty chuyển giao kỹ thuật, con giống, nguồn thức ăn… Hiện công ty có 20 trại gà vệ tinh.
Với những cố gắng bền bỉ, công ty Cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ đã nhận được rất nhiều giải thưởng uy tín, có giá trị. Mới đây nhất là giải thưởng Top 10 Sản phẩm Vàng chăn nuôi Việt Nam, Top 30 Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam, sản phẩm Sao Thần Nông, ba năm liền Sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam, Bằng khen và Huân chương Lao động hạng ba của Thủ tướng Chính phủ…
Thanh Vân