Tình trạng thiếu trạm sạc luôn là việc gây "đau đầu" cho cả các nhà sản xuất lẫn người dùng ô tô điện. Ở các thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… số lượng trạm sạc vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng xe điện. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn ở các khu vực nông thôn hoặc ngoại ô, nơi mà cơ sở hạ tầng còn hạn chế.
Dù công nghệ sạc nhanh đang được cải tiến, thời gian sạc đầy một chiếc ô tô điện vẫn lâu hơn nhiều so với việc đổ xăng. Đối với các trạm sạc thông thường, quá trình này có thể kéo dài từ vài giờ đến hơn một đêm. Ngay cả với các trạm sạc nhanh, người dùng vẫn cần ít nhất 30 phút đến một giờ để sạc đầy pin, gây bất tiện cho những ai có lịch trình bận rộn.
Số lượng trạm sạc nhiều nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng xe điện. |
Có thể nói, lắp đặt trạm sạc tại nhà là giải pháp phổ biến để tránh phải chờ đợi tại các điểm sạc công cộng. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt có thể rất cao, đặc biệt là đối với các hệ thống sạc nhanh. Không phải ai cũng có điều kiện tài chính hoặc không gian phù hợp để lắp đặt trạm sạc tại nhà, đặc biệt là những người sống trong các căn hộ chung cư hoặc nhà thuê.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGTVT sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, trong đó quy định phải có trụ sạc cho xe điện tại các trạm dừng nghỉ. Đối với đường đô thị, công trình đô thị, việc bố trí, cấp phép xây dựng trạm, trụ sạc thuộc thẩm quyền của các địa phương.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, đặc biệt là các trạm sạc tại các công trình hiện hữu, các cơ quan quản lý cần xem xét đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như: có thiết kế và tiêu chuẩn cho trạm sạc (vì hiện nay các hãng sản xuất xe điện cũng có nhiều chuẩn sạc khác nhau và chưa có sự thống nhất chung), khu vực đặt trạm sạc; phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật và đáp ứng các yêu cầu về an toàn; an ninh; phù hợp với quy hoạch lưới điện; bảo đảm an toàn giao thông; an toàn phòng cháy, chữa cháy; chống rò rỉ điện khi xảy ra các hiện tượng thiên tai như ngập úng, lũ lụt...; đồng thời phải tuân thủ các quy định về quản lý nhà nước của địa phương và các bộ chuyên ngành.
Hiện tại, Việt Nam chỉ có hãng xe duy nhất sản xuất ô tô thuần điện là VinFast, sở hữu hơn 150.000 cổng sạc, nhưng chưa đưa ra thông tin chính thức về kế hoạch mở rộng hệ thống trạm sạc giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, hãng xe điện lớn nhất Việt Nam này khẳng định, “sẽ không chia sẻ hạ tầng trạm sạc cho các hãng đối thủ dùng chung trong ít nhất 10 năm nữa”.
Dự báo trong thời gian tới, hãng xe Việt sẽ phải cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu ô tô điện đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...Việc đầu tư vào hệ thống trạm sạc để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là thực sự cần thiết. Đặc biệt, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc, đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng sạc xe điện từ cả khu vực công và tư. Đồng thời, khuyến khích sử dụng xe điện thông qua các biện pháp ưu đãi thuế và tài trợ.
Lê Hồng