Sản phẩm mới của Mercedes có thể tăng tốc nhanh, chạy được 450 km trong một lần sạc và nội thất bắt mắt để chiều theo thị hiếu của khách thượng lưu.
Theo tiết lộ của ông Dieter Zetsche, Giám đốc điều hành Daimler AG (công ty mẹ của Mercedes Benz), chiếc Mercedes EQC 400 4Matic, loại SUV crossover, sẽ bắt đầu được sản xuất trong nửa đầu năm tới và nằm trong kế hoạch phát triển dòng xe EQ.
Thách thức Tesla
Công ty ban đầu chỉ dự tính đầu tư 10 tỷ euro cho xe điện, nhưng cho đến nay đã “vỡ kế hoạch” khi quyết định “tất tay” vào thế hệ sản phẩm này.
Ông Zetsche tự tin EQC sẽ sinh lời và có những lợi thế vượt trội so với các đối thủ, tuy không đề cập đến giá bán tới tay người tiêu dùng.
Chiếc EQC được xem là câu trả lời của Mercedes đối với SUV I-Pace hoàn toàn bằng điện mà Jaguar vừa phát hành và chiếc crossover e-Tron điện của Audi dự kiến ra mắt vào cuối tháng này tại San Francisco.
EQC cũng sẽ cạnh tranh với mẫu SUV nhỏ iX3 sắp tới của BMW, Taycan của Porsche và mẫu SUV X của Tesla. Hầu hết các sản phẩm trên đều có giá khoảng 70.000 USD trở lên.
EQC có kích thước gần bằng GLC SUV thông dụng của Mercedes, có khả năng di chuyển hơn 450 km và tăng tốc lên 100 km/h trong vòng có 5,1 giây. Model X của Tesla hiện chỉ đi được quãng đường tối đa là 380 km trong một lần sạc.
EQ - với hàm ý “trí thông minh chạy bằng điện”, không phải là dòng xe điện thuần túy đầu tiên của đại gia nước Đức. Đầu năm nay, Mercedes vừa ngừng sản xuất B250e, loại hatchback điện cỡ nhỏ, vì ế ẩm. Cách đây một tuần, hãng này cũng đã giới thiệu thiết kế mẫu EQ Silver Arrow tại California (Mỹ).
Tuy nhiên, chiếc EQC dáng thể thao khỏe khoắn được đánh giá có triển vọng tích cực hơn nhiều vì bắt kịp xu hướng thị trường SUV điện hạng sang ngày càng phát triển mà Tesla đã tiên phong khai phá.
Ở thời điểm hiện tại, Tesla đang có lợi thế là gần như không vấp phải sự cạnh tranh nào đáng kể. Vì thế start-up này dễ dàng chiếm vị trí dẫn đầu và thuyết phục được khách hàng chấp nhận móc hầu bao cho một chiếc xe điện chưa được kiểm chứng về chất lượng và hầu như không có đại lý hỗ trợ.
Vấn đề của doanh nghiệp này chủ yếu nằm ở dòng tiền và khả năng tổ chức sản xuất. Daimler thì chẳng có gì phải nghĩ ngợi nhiều: Bề dày kinh nghiệm sản xuất hàng trăm năm với nhiều thương hiệu đình đám, cơ sở khách hàng lên tới hàng triệu người… tạo ra xuất phát điểm hết sức thuận lợi.
Chiếc Mercedes EQC 400 4Matic, loại SUV crossover, sẽ bắt đầu được sản xuất trong nửa đầu năm tới |
Chịu chơi và chịu chi
Để tiện cân đối sản lượng và hạn chế rủi ro đầu tư, Mercedes dự kiến không xây dựng nhà máy mới, mà tận dụng cơ sở hiện có ở Bremen, nơi sản xuất ra mẫu sedan C-Class được ưa chuộng. Daimler cũng sản xuất EQC tại nhà máy ở Trung Quốc để phục vụ tại chỗ thị trường đông dân này.
Mercedes và các thương hiệu cao cấp khác đang đẩy mạnh phát triển dòng xe điện sau thành công của Tesla trong việc thu hút nhóm khách hàng giàu có với chiếc Model S.
Daimler dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu chế tạo 10 loại xe “thuần điện” vào năm 2022, kỳ vọng đóng góp 15 - 25% trong tổng doanh số công ty vào năm 2025 và giúp Daimler chinh phục 60% thị trường (chủ yếu là thuyết phục khách hàng hiện tại từ bỏ động cơ đốt trong để chuyển sang xe điện, thay vì lôi kéo khách hàng mới).
Để chứng minh sự “chịu chơi” của mình, Mercedes cũng chịu chi 1 tỷ euro xây dựng một mạng lưới 8 cơ sở sản xuất pin trên toàn cầu.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu khách hàng đang thay đổi, dòng sản phẩm xe điện còn có ý nghĩa quan trọng đối với các hãng xe hơi trong việc tuân thủ các quy định tiêu chuẩn về khí thải ngày càng nghiêm ngặt.
Một số quốc gia như Anh và Pháp thậm chí còn dự định cấm lưu thông xe sử dụng động cơ đốt trong.
Hải Châu