Cần phải nhìn nhận một thực tế, dù muốn hay không, Trung Quốc vẫn đang là thị trường xuất khẩu (XK) chính yếu của nhiều DN ngành thực phẩm, nông sản Việt. Điều mà các DN XK thực phẩm Việt cần chú ý là sự tiêu dùng gia tăng không ngừng ở thị trường này từ nhóm tiêu dùng mới và từ mức độ gia tăng mức tiêu thụ thực phẩm trực tuyến và ngoại tuyến với internet di động phát triển.
Nhiều thay đổi
Thông tin đưa ra tại buổi họp báo ở Tp.HCM ngày 27/2 từ đại diện Tập đoàn Comexposium cho thấy thị trường thực phẩm Trung Quốc gặp nhiều thay đổi, tăng lên đến 1,8 nghìn tỷ USD trong 3 năm tới. Đây là cơ hội lớn cho các DN Việt trong ngành thực phẩm và nước giải khát.
Theo một báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston và AliResearch, các gia đình tầng lớp trung lưu, thượng lưu và các thế hệ trẻ ở Trung Quốc nổi lên trở thành nhóm người tiêu dùng chính và định hướng xu hướng thực phẩm thông qua nhu cầu về các sản phẩm chất lượng, an toàn và tiện lợi, và tiếp thị có ảnh hưởng với sự quan tâm ngày càng tăng của họ đối với các nhãn hiệu thực phẩm và nhãn hàng gốc.
Nhưng các DN thực phẩm Việt cũng cần biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng của Trung Quốc, họ cần hiểu người tiêu dùng ở đây đánh giá sản phẩm và mua hàng như thế nào.
Theo XTC World Innovation, 80% người tiêu dùng ở Trung Quốc đang tìm kiếm các loại thực phẩm tự nhiên hơn, và 65% thích thử những sản phẩm mới, hương vị và các loại thực phẩm khác nhau, trong khi 55% chú trọng vào sản phẩm giúp cho thư giãn và 23,6% về sức khỏe.
Ngoài ra, cần tìm hiểu thêm về các hình thức bán lẻ mới ở thị trường này. Trong đó, sẽ thấy những sản phẩm thực phẩm tiện lợi luôn có tiềm năng lớn. Mặt khác, đang thịnh hành mô hình O2O – kinh doanh bán lẻ kết hợp cả hình thức Online và Offline – vốn phát triển nhanh chóng tại đây trong thời gian qua.
Hiện nay, phía Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đang tập trung phối hợp cùng DN trong nước làm việc với phía Trung Quốc để tiêu thụ cho nhiều loại thực phẩm nông sản. Đơn cử như nỗ lực để làm sao sớm cho các sản phẩm sữa của Việt Nam thâm nhập vào thị trường nước này. Nhiều sản phẩm khác cũng khẩn trương như vậy.
Cũng cần nhắc lại lời của ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An – một DN hàng đầu trong lĩnh vực XK thực phẩm nông sản, đó là các DN Việt không thể từ bỏ thị trường Trung Quốc mà cần nhìn nhận đó là thị trường “nóng bỏng”. Thậm chí, các loại thực phẩm nông thuỷ sản cao cấp như chuối, thanh long, dưa hấu, tôm, cá… trong thời gian tới, Trung Quốc cũng là thị trường chủ đạo của Việt Nam chứ không phải là thị trường để chúng ta từ bỏ.
Cần nắm bắt xu hướng mới
Theo ước tính, các mặt hàng tiêu dùng (như rau quả, gạo…) chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Mặc dù vậy, những mặt hàng thực phẩm vẫn chưa thực sự mang lại lợi nhuận cao cho các DN Việt do sản phẩm chưa có giá trị gia tăng cao.
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới. Nguồn cung từ Việt Nam và các quốc gia trong ASEAN chiếm khoảng 17% thị phần nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc, tương đương 18 tỷ USD.
Trong khu vực Đông Nam Á, trong số các nước xuất khẩu thực phẩm nông sản nhiều nhất sang Trung Quốc, đứng đầu là Thái Lan, rồi đến Indonesia, sau đó là Việt Nam, Malaysia, Philippines, Singapore.
Trên thực tế, dù XK nhiều sang Trung Quốc nhưng các DN thực phẩm, nông sản Việt vẫn còn chưa nắm bắt nhiều thông tin, xu hướng tiêu dùng mới về thị trường này. Điều này dẫn tới việc đầu tư, sản xuất sản phẩm hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn.
Để cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại khi vào thị trường Trung Quốc, giới chuyên gia cho rằng các DN thực phẩm Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu. Đối với các sản phẩm thực phẩm (như sản phẩm tươi sống, thịt và sữa), chiến lược marketing hiệu quả nhất là kết hợp công nghiệp với xuất khẩu.
Đơn cử, để tăng khả năng cạnh tranh và hỗ trợ XK, DN thực phẩm nên tập trung vào chính sách giá, đảm bảo nhất quán về số lượng và chất lượng, đầu tư marketing, xây dựng thương hiệu…Đối với các loại thực phẩm đặc biệt, DN cần thuê đối tác nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường.
Ngoài ra, đối với các DN đã có thương hiệu và sản phẩm muốn bán trực tiếp cho các siêu thị ở thị trường này (đặc biệt là ở Hồng Kông – Trung Quốc), cần lưu ý các siêu thị thường yêu cầu độc quyền trong việc bán các sản phẩm trên thị trường thông qua chuỗi các đại lý/cửa hàng của họ. Nếu không, họ sẽ không cân nhắc đến việc nhập khẩu trực tiếp.
Với số lượng người dùng điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng tăng và lực lượng dân số trẻ dồi dào, giới phân tích cho rằng thị trường thực phẩm trên mạng của Trung Quốc sẽ không có dấu hiệu giảm nhiệt trong những năm tới.
Giới chuyên gia khuyến nghị các DN Việt cần nhắm vào xu hướng mới này. Nhưng điều quan trọng là cần đa dạng hoá sản phẩm mới. Các DN cũng cần chú ý đến bản quyền, thương hiệu trong nước cần được đăng ký cẩn thận, đặc biệt là với những hàng hoá thực phẩm truyền thống đã có tên tuổi.
Cũng nên cân nhắc trong việc hạn chế kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản chênh lệch giá với các thương nhân Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch không chính thức.
Thế Vinh