Cụ thể, EU ban hành cơ chế định giá carbon và Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) có thể ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam. CBAM là một công cụ chính sách mới của EU cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu trong các ngành có mức phát thải cao gồm sản xuất gang, thép, nhôm, phân bón, xi măng, điện và hydrogen. Thuế bổ sung này được gọi là thuế carbon và được tính toán dựa trên mức độ phát thải của sản phẩm trong quá trình sản xuất.
Thêm 'hàng rào xanh'
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho hay, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gang, thép, nhôm, xi măng và phân bón của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi lợi thế cạnh tranh nhờ giá điện rẻ hơn và chi phí bảo vệ môi trường thấp hơn sẽ giảm sút vì chi phí thuế carbon qua biên giới mới phát sinh.
"Rào cản xanh" là một trong những thách thức mà doanh nghiệp Việt phải vượt qua nếu muốn đưa hàng vào thị trường EU. |
“Hiệu quả của các FTA sẽ ít nhiều suy giảm đối với sản phẩm xuất khẩu của các ngành công nghiệp nói trên. Các ngành công nghiệp phát thải thấp sẽ có cơ hội tăng trưởng, trong khi các ngành công nghiệp phát thải cao sẽ suy giảm. Sản phẩm của các ngành này sẽ có những thay đổi tương ứng”, ông Cường phân tích.
Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Anh khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành chịu tác động của CBAM cần tăng tốc chuyển đổi năng lượng và từng bước ứng dụng công nghệ phi carbon hóa trong sản xuất.
“Cục Công nghiệp và Cục xuất nhập khẩu cần nghiên cứu tác động của CBAM đối với Chiến lược phát triển công nghiệp và Chiến lược xuất khẩu quốc gia”, ông Cường nói.
Bên cạnh cơ chế CBAM, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng thông tin: ngày 19/4/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua một thỏa thuận với các quốc gia thành viên EU về kiểm soát một số mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu vào EU liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng.
Theo quy định mới của EU, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.
Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng, các ngành thuộc các nhóm hàng trên cần đánh giá chuỗi cung ứng liên quan để đảm bảo rằng nguồn cung ứng các mặt hàng hoặc nguyên liệu không liên quan đến nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng.
Chủ động để thích ứng
Cà phê là một trong những ngành sẽ là đối tượng chịu tác động của quy định mới trên, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam thông tin, nhiều năm qua, diện tích cà phê Việt Nam ổn định từ 650.000 - 700.000ha, và từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu "đóng cửa rừng" nên việc phá rừng trồng mới khả năng không nhiều, đặc biệt từ năm 2019 trở lại đây.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, khó khăn cho các doanh nghiệp là không ít nếu chủ quan, bởi châu Âu đang chiếm khoảng 45% tổng lượng trên dưới 1,6 - 1,7 triệu tấn cà phê xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam.
Do đó, nếu bị siết chặt, ảnh hưởng là không nhỏ. "Rất cần có những thông tin cụ thể từ châu Âu, mốc thời gian áp dụng, sản phẩm cụ thể thuộc diện phải áp dụng... để doanh nghiệp chuẩn bị. Trường hợp cần thiết, Việt Nam nên đề nghị châu Âu cho lùi thời gian áp dụng quy định này để các doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn", ông Hải kiến nghị.
Trong khi đó, với ngành gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, đạo luật mới của EU muốn dùng động lực thị trường nhằm thúc đẩy cơ quan công quyền và người dân, doanh nghiệp các nước có trách nhiệm hơn để góp phần làm giảm mất rừng và suy thoái rừng. Tới đây, Hiệp hội sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT để phổ biến sâu hơn tới các doanh nghiệp.
Thực tế, đây chỉ là một trong số những khó khăn về tiêu chuẩn xanh mà hàng hóa Việt Nam sắp tới phải vượt qua ở thị trường EU. Trong bối cảnh nhiều hàng hóa Việt Nam vẫn gặp rất không ít khó khăn về việc đáp ứng chất lượng, hàng rào kỹ thuật thì đây chắc chắn là những thách thức không nhỏ.
Đơn cử, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (FTA) cho biết, gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu cũng gặp nhiều khó khăn do không đáp ứng được các quy định về dư lượng thuốc trừ sâu. Thực tế từ kết quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm gạo hàng hóa của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp địa phương cho thấy có rất ít các lô được kiểm tra đạt yêu cầu và đây hiện cũng là vướng mắc mà các bên đang tìm cách tháo gỡ.
Vì vậy, VFA kiến nghị cơ quan quản lý kiểm soát chặt sản phẩm vật tư đầu vào nông nghiệp cũng như quy trình canh tác của nông dân nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm gạo.
Nhật Linh