Mỹ vốn là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất trong vài năm trở lại đây. Thế nhưng, nếu như năm 2014, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 1 tỷ USD (chiếm 27% tổng giá trị XK tôm Việt Nam), thì năm nay, trong bối cảnh sụt giảm chung của hoạt động xuất khẩu thuỷ sản, xuất khẩu tôm được dự báo sẽ giảm đến 40% (ước chỉ đạt khoảng 638 triệu USD). Đâu là nguyên nhân cốt lõi của đà suy giảm này?
Tại "anh" hay tại "ả"?
Các chuyên gia thuỷ sản cho rằng đà sụt giảm xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ diễn ra từ đầu năm 2015 do lượng hàng tồn kho nhập khẩu trong năm 2014 của Mỹ vẫn ở mức cao. Đó là chưa kể từ tháng 9/2014, sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố kết quả sơ bộ rà soát hành chính lần 8 (POR8) với mức thuế cao tới 6,37% khiến cho tình hình xuất khẩu tôm vào thị trường này có dấu hiệu trầm lắng.
Không những vậy, do đồng USD tăng giá mạnh so với các tiền tệ khác khiến các nước xuất khẩu đổ xô vào thị trường Mỹ. Điều này khiến cho tôm Việt Nam bị các nhà nhập khẩu Mỹ ép giá ngay từ đầu năm nay, giảm từ khoảng 3 USD/kg so với mức đỉnh năm 2014 và hiện giữ mức khoảng 10 USD/kg.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam hiện đang gặp sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán từ 3 đối thủ có thị phần lớn nhất tại Mỹ là Ấn Độ, Indonesia và Ecuador.
Ấn Độ được cho là một trong những đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong khi khả năng cạnh tranh lại kém hơn so với Ấn Độ. Mới đây, với mức thuế sơ bộ của kỳ POR9 mà Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố, thuế CBPG tôm của Ấn Độ ở mức cao hơn Việt Nam (mức thuế trung bình áp cho hơn 200 công ty của Ấn Độ là 2,96% trong khi của Việt Nam là 0,93%).
Vấn đề đáng bàn là dù thuế quan thấp hơn, liệu Việt Nam có tạo thêm cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ và thắng thế trước Ấn Độ hay không khi mà các rào cản về chất lượng, giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm mới là điều đáng ngại?
Ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết: Ấn Độ và một số nước có nguồn nguyên liệu dồi dào, giá nguyên liệu giảm (nguyên liệu chiếm 60-70% giá thành chế biến tôm xuất khẩu) nên giá bán cũng giảm theo. Trong khi đó, giá nguyên liệu trong nước vẫn cao nên đầu ra không cạnh tranh được.
Rào cản chất lượng
Thị trường nhập khẩu tôm Mỹ ngày càng thắt chặt vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi ở Việt Nam vẫn còn tình trạng sử dụng hóa chất, chất cấm và thuốc kháng sinh trong nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu.
Tính riêng trong hai tháng đầu năm 2015, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã từ chối cấp phép nhập khẩu đến 107 lô tôm từ các nước xuất khẩu vào Mỹ, tăng 224% so với năm ngoái và cao nhất trong 10 năm qua.
Các nhà xuất khẩu tôm muốn vào thị trường Mỹ phải có giấy chứng nhận chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với bộ tiêu chuẩn HACCP, thế nhưng ở Việt Nam mới chỉ khoảng 50 - 60% doanh nghiệp thuỷ sản nói chung và doanh nghiệp nuôi tôm nói riêng là đạt tiêu chuẩn này.
Hiện nay, đa phần tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ở dạng sơ chế, hàm lượng giá trị không cao nên chưa thu nhiều lợi nhuận. Các chuyên gia thuỷ sản cho rằng hàng rào kỹ thuật thuỷ sản sang Mỹ rất khắc khe khiến nhiều doanh nghiệp từ bỏ thị trường truyền thống giá cao và chuyển sang các thị trường dễ tính hơn như Trung Quốc. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn còn chưa nắm rõ thị trường, hệ thống luật lệ và quy định của Mỹ.
Mặt khác, do nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định, khả năng cạnh tranh của thương hiệu tôm Việt còn kém, sản xuất phần lớn còn nhỏ lẻ và chính tập quán sản xuất theo kiểu truyền thống, không theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt sẽ khó tạo ra sản phẩm tôm Việt Nam đạt chất lượng cao và có tính cạnh tranh khi sang thị trường Mỹ.
Theo dự báo, từ cuối tháng 7/2015, nhu cầu từ thị trường Mỹ cao hơn, cùng với các yếu tố về nguồn cung và thuế CBPG, XK tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ 6 tháng cuối năm sẽ tăng so với nửa đầu năm 2015, dự kiến đạt 375 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2014.
Với tình hình xuất khẩu tôm sang Mỹ không thuận lợi như hiện nay, cùng với những bất cập của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, để đạt được con số trên cũng không dễ dàng.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam vốn từng có một chỗ đứng nhất định trên thị trường Mỹ, nhưng để giữ vững thị trường này không phải là vấn đề đơn giản. Khi vòng đàm phán TPP đang đi đến hồi kết, bước ngoặt mới cho tình hình xuất khẩu tôm Việt vào Mỹ được kỳ vọng sẽ mở ra.
Tuy nhiên, trước đà suy giảm xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cần chủ động chuyển mình, nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả hơn nữa, cũng như tăng cường quảng bá thương hiệu, để không "tuột dốc" trước thị trường trọng điểm này.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) |
Thế Vinh