Hồi gần cuối năm ngoái, khi nhận định về ngành tôm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, có nói rằng sản lượng tôm Ấn Độ tăng đến 20% so với năm trước đó, còn sản lượng tôm của Việt Nam cũng tăng ở mức hai con số (trên 10%).
Chính vì vậy, theo ông Quang, nguồn cung tôm nguyên liệu tăng, nhu cầu cũng tăng nhưng là tăng ít hơn nguồn cung, nên giá tôm giảm đến 20% so với năm trước.
Chưa hết lận đận
Thời điểm đó, ông Quang cho biết nguồn tôm tồn kho của công ty tại Mỹ rất lớn và kho lạnh không còn chỗ chứa. Phía khách hàng tại Mỹ cũng không nhận hàng, chưa cho xuất hàng sang vì họ hết chỗ chứa. Tình hình khó khăn của xuất khẩu (XK) tôm vào Mỹ khó khăn là thế!
Còn trong năm nay, XK tôm sang Mỹ liệu có thoát khỏi xu hướng giảm hàng tồn kho hay không vẫn là dấu hỏi lớn. Riêng quý I, XK tôm của Việt Nam sang Mỹ đã giảm đến 19,5% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 97,7 triệu USD, trong khi mục tiêu XK tôm của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2019 là 600 triệu USD.
Với tôm Minh Phú, XK vào Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2019 được cho là giảm xuống 37%, tương đương cùng kỳ năm 2018. Riêng trong quý I/2019, lượng tôm XK sang Mỹ của Minh Phú chỉ đạt khoảng 33% trên tổng lượng XK, giảm so với tỷ trọng trên 41% của năm 2015.
Xem ra tình hình "lận đận" của tôm Việt vào Mỹ còn dài khi mới đây, một nghị sĩ của Mỹ gửi thư cho Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CPB) là CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú của Việt Nam có khả năng đã nhập khẩu (NK) tôm đông lạnh đang chịu thuế từ Ấn Độ, chế biến tối thiểu và xuất sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam. Nghị sĩ này cho rằng đây là gian lận xuất xứ liên quan tới thuế chống bán phá giá tôm mà Mỹ đang áp dụng với Ấn Độ.
Trong thông cáo báo chí, Minh Phú đã phản bác cáo buộc này. Công ty khẳng định việc sử dụng tôm NK từ Ấn Độ (chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ khoảng 10% trong tổng sản lượng tôm đầu vào) không phải vì mục đích trốn tránh nghĩa vụ thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm tôm Ấn Độ.
Số liệu thống kê cho thấy, XK tôm thẻ của Minh Phú sang Mỹ năm 2017 – 2018 chiếm khoảng 50% tổng XK tôm thẻ của công ty này. Minh Phú cho rằng dù CBP có khởi xướng điều tra từ cáo buộc nêu trên hay không thì công ty vẫn tự tin, nhưng phần nào cho thấy con đường XK tôm vào Mỹ càng lúc càng khó lường.
Đặc biệt là những rào cản về bảo hộ, về các đối thủ cạnh tranh ở thị trường này và một vấn đề không thể chủ quan mà các đối thủ vịn vào đó để gây khó dễ là xuất xứ nguồn tôm nguyên liệu.
DN cần lưu tâm chất lượng, xuất xứ tôm nguyên liệu |
Mối lo tôm nguyên liệu
Giới chuyên gia cho rằng tình hình nuôi tôm nguyên liệu của các quốc gia ngày càng tốt hơn. Với Việt Nam, tình hình nuôi tôm cũng theo chiều hướng tốt lên với công nghệ nuôi sạch, tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên, do nguồn cung cao khiến cho giá tôm sụt giảm.
Mặt khác, các doanh nghiệp (DN) XK tôm đang phải chịu áp lực về chi phí kiểm soát kháng sinh từ các ao nuôi tôm rất lớn, ảnh hưởng đến giá thành.
Theo chia sẻ của ông Lê Văn Quang, bài toán đặt ra là làm sao việc nuôi tôm ở trong nước nói không với chất kháng sinh, cần làm quyết liệt và kiểm soát chặt chẽ chất kháng sinh. Không nuôi tôm với chất kháng sinh thì chi phí sẽ giảm, thậm chí tăng được giá mua với người nuôi tôm.
Hơn nữa, các thị trường XK lớn và nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật, EU… luôn kiểm soát gắt gao với vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm.
Như ở Mỹ, từ cuối năm 2018, tất cả tôm NK đều phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Chương trình Giám sát thủy sản NK vào Mỹ (SIMP). Với quy định này, tôm NK vào Mỹ phải đảm bảo một số yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc bắt buộc.
Để kiểm soát được vấn đề kháng sinh, có DN XK tại Việt Nam đã phải đầu tư các phòng lab kiểm kháng sinh ở các vùng nuôi với chi phí đầu tư bình quân 10 tỷ đồng/phòng lad và chi phí kiểm tra kháng sinh cho 1kg tôm nguyên liệu khoảng 6.000 đồng, quy ra 1kg thành phẩm tốn khoảng 9.000 đồng. Điều này làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam với các quốc gia khác.
Về xuất xứ tôm nguyên liệu NK vào Việt Nam để chế biến hàng XK, giới chuyên gia lưu ý các DN cần tránh hai nguy cơ để có thể bị những thị trường NK khó tính cáo buộc vi phạm.
Thứ nhất là tôm nguyên liệu có xuất xứ từ những vùng nuôi chưa đạt tiêu chuẩn kiểm soát dịch bệnh. Thứ hai là có những DN cung cấp nguyên liệu chọn Việt Nam làm nước trung chuyển và sơ chế để tránh mức thuế cao hơn khi XK.
Cách tốt nhất trong lúc này để các DN XK tôm của Việt Nam tránh các cáo buộc cũng như hưởng các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) là tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ về nguồn tôm nguyên liệu.
Dẫu biết việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ tôm nguyên liệu vốn dĩ là khó, nhưng càng khó thì DN càng phải cố gắng vượt qua.
Thế Vinh