Cuối tuần qua, sự kiện lô tôm đông lạnh đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường EU với thuế suất ưu đãi về 0% theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ví như "bước ngoặt" của cả ngành thủy sản.
Bất lợi vì sản xuất nhỏ lẻ
EU là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, hàng năm khu vực này nhập khẩu gần 9,3 triệu tấn các sản phẩm thủy hải sản, tổng kim ngạch khoảng 50 tỷ Euro. Với Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu giảm làm tăng thêm khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu. |
Thị trường EU đang chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng). Vì vậy, Chủ tịch HĐQT Trần Văn Lĩnh đánh giá, EVFTA có hiệu lực sẽ làm khăng khít thêm mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu EU.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nước như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan... phải thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thủy sản Việt Nam lại càng có cơ hội ở thị trường EU. Ông Lĩnh cho biết, Công ty Thuận Phước đã có đơn hàng xuất khẩu tới cuối năm nay. Tính đến hết tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu của Công ty tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7. Trong đó, đơn đặt hàng tập trung nhiều vào tôm và mực... Hiệp định EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp thủy sản có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn trong các thủ tục pháp lý để xuất khẩu sang EU.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu những "đối thủ" cạnh tranh với Việt Nam không bị tác động bởi COVID-19, liệu ngành thủy sản Việt Nam còn có những thế mạnh như vậy tại EU cũng như nhiều thị trường khác?
Ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, điểm yếu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam hiện nay vẫn nằm ở việc phát triển chuỗi giá trị.
"Doanh nghiệp có thể đầu tư máy móc để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất, hay nói nôm na là sản xuất lớn để cạnh tranh tốt trên thị trường, nhưng lại phải đi mua gom nguyên liệu từ những hộ nuôi nhỏ lẻ. Điều này dẫn tới tình trạng sản phẩm không đồng đều, chất lượng khó đảm bảo. Trong khi đó, nông dân sản xuất manh mún, nên vẫn có tâm lý lời thì nuôi nhiều - lỗ thì treo ao", Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phước chia sẻ.
Cấp thiết phát triển chuỗi sản xuất
Chính vì nuôi trồng nhỏ lẻ, nên giá nguyên liệu thủy sản của Việt Nam cao hơn nhiều nước. Ví dụ, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn tôm Ấn Độ từ 8-12% tùy theo kích cỡ, mùa vụ. Với giá thành như vậy, Hiệp định EVFTA dù có đem đến cơ hội thuế nhập khẩu về 0% thì tôm Việt Nam cũng khó cạnh tranh với sản phẩm của Ấn Độ.
Về vấn đề phát triển vùng nguyên liệu, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đánh giá, ngành tôm vẫn đang trong tình trạng phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, sản lượng ít, dẫn đến giá thành sản xuất cao kéo giảm sức cạnh tranh.
Theo ông Quang, doanh nghiệp cần được hỗ trợ xây dựng những trung tâm đảm nhiệm khâu thu mua nguyên liệu, đồng thời cũng là nơi phân phối thức ăn nuôi thủy sản, vật tư nông nghiệp.
"Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trung tâm sơ chế thủy sản ở các vùng nguyên liệu. Điểm nữa là quy hoạch vùng nuôi ở gần nhà máy chế biến. Ngành tôm gặp khó ở chỗ là vùng nuôi tại nông thôn, trong khi nhà máy chế biến phải ở khu dân cư thì mới có công nhân sản xuất", ông Quang chia sẻ.
Theo kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, để phát triển ngành thủy sản, Nhà nước phải có chiến lược xây dựng chuỗi. Làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa thế mạnh của mình, hỗ trợ phát triển con giống, thức ăn chăn nuôi - tránh lệ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài như hiện nay.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn thiếu các doanh nghiệp trong lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản tự nhiên, công nghệ đánh bắt lạc hậu, hoạt động chưa chuyên nghiệp. Hậu quả đang nhìn thấy rõ nhất là 2 năm qua, hải sản Việt Nam vẫn đang bị Ủy ban châu Âu (EC) phạt "thẻ vàng", tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu.
Nếu Việt Nam không tiếp tục nỗ lực, quyết liệt triển khai các biện pháp, giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp và ngư dân, kết quả kiểm tra tiếp theo của EC có khả năng sẽ gây bất lợi đến hoạt động xuất khẩu hải sản nói riêng và thủy sản nói chung sang thị trường tiềm năng EU. Điều đó đồng nghĩa với việc “vô hiệu hóa” các lợi thế có được từ Hiệp định EVFTA.
Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất để đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc. Nếu không tổ chức liên kết thì sức cạnh tranh sẽ bị yếu. Đồng thời, việc rà soát, quản lý vùng nuôi, kiểm soát đầu vào, tổ chức lại sản xuất, gắn kết với nhà máy chế biến, xây dựng thương hiệu... cũng rất quan trọng.
Lê Thúy