Tuy vậy, chúng ta cũng đang phải đối mặt với rất nhiều trở lực như các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), dư lượng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng lực xuất khẩu thấp...
Từ năm 2013, Việt Nam đã thu về khoảng 10 tỷ USD xuất khẩu thực phẩm. Các hoạt động thương mại về giao dịch thực phẩm chiếm thị phần lớn trong ngành hàng xuất khẩu. Bà Selena McGuinness, Đại diện trưởng cơ quan thương mại và đầu tư Anh quốc tại Việt Nam, nhận định: “Việt Nam đang có những cơ hội lớn để trở thành quốc gia đứng đầu trong chuỗi cung ứng thực phẩm”.
Cơ hội đứng đầu chuỗi?
Năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với doanh số gần 40 tỷ USD. Nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc… đã sử dụng thực phẩm của Việt Nam.
Nhiều loại nông sản như: gạo, chè, cà phê, hạt tiêu… của Việt Nam đứng vào tốp đầu trong các nước xuất khẩu. Lương thực thực phẩm của Việt Nam, ngoài số lượng cung cấp cho người dân trong nước, số lượng xuất khẩu đủ nuôi sống thêm 100 triệu người nữa.
Riêng với thị trường Hoa Kì, Việt Nam cũng đạt được một vài tín hiệu khả quan. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt 38 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất siêu tới 31 tỷ USD. Trong năm 2015, Mỹ đã nhập khẩu 17,2 tỷ USD hải sản; 14,2 tỷ USD trái cây và nước ép lạnh; 9,9 tỷ USD rau quả, 11,9 tỷ USD sản phẩm thịt;…Với một thị trường rộng lớn, khoảng 317 triệu người tiêu dùng, đa dạng về sắc tộc, thị hiếu và mức thu nhập, Hoa Kỳ được đánh giá là thị trường rất tiềm năng cho hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, nông sản, hải sản.
Tuy vậy, tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng thủy sản, nông sản còn khá thấp so với ngành hàng dệt may, thiết bị điện tử, đồ gỗ. Bên cạnh đó, nhóm hàng này còn đang phải chứng kiến mức tăng trưởng âm trong năm 2015 do phải đối phó với nhiều rào cản thương mại của Hoa Kỳ cũng như những khó khăn trong việc tăng năng lực sản xuất trong nước.
Mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Mỹ năm 2014 đạt 1,1 tỷ USD, năm 2015 chỉ còn 901 triệu USD, giảm 20%. Xuất khẩu cà phê, trà, gia vị các loại năm 2015 chỉ đạt 672 triệu USD, giảm 15,5% so với cùng kì năm 2014.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, lý giải: “Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông thủy sản, thực phẩm gặp nhiều khó khăn một phần bởi vẫn chưa nắm vững quy trình xuất nhập khẩu, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm vào thị trường Hoa Kỳ”.
Ts Nguyễn Đỗ Anh Tuấn lại cho rằng, với bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang có cơ hội nhiều hơn là thách thức. “Trong khối TPP, Việt Nam là nước thặng dư về xuất khẩu nông sản, xuất 10 tỷ USD nhưng chỉ nhập 2 tỷ USD. Trong AEC, thặng dư xuất nhập khẩu nông sản chỉ đạt 100-200 triệu USD”.
Để đẩy mạnh được xuất khẩu các mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm, Ts Tuấn cho rằng các doanh nghiệp cần phải chủ động khai phá các thị trường mới bằng cách nối kết với các tập đoàn đa quốc gia, xây dựng một hệ thống phân phối riêng ở các thị trường chủ lực. Các doanh nghiệp trong nước cũng nên kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp Việt kiều.
![]() |
Việt Nam cần cải thiện triệt để về công nghệ; kiểm soát được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; cải cách thể chế để tạo ra được những vùng nông nghiệp lớn
Khó trong khó ngoài
Ngoài những khó khăn trong việc nắm bắt các quy định, quy trình xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp còn nhiều thách thức phải đối mặt như: áp dụng công nghệ mới trong đảm bảo chế biến thực phẩm, đặc biệt là vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi mở rộng xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kì.
Ông Chris Jeffrey, Phó Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam, cho biết: “Thực phẩm là lĩnh vực có nhiều cơ hội xuất khẩu với nhu cầu ngày càng tăng nhưng cũng đòi hỏi chất lượng, ATVSTP ngày càng cao. Theo Liên minh châu Âu, đến năm 2021, tất cả các yêu cầu tiêu chuẩn về thực phẩm, đồ uống đều phải đáp ứng các yêu cầu của EU”.
Ông Eddiee O’Shea- một luật sư chuyên về các vấn đề ATTP phân tích: “Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một khuôn khổ pháp lý toàn diện, tập trung về vấn đề ATVSTP mà đang được thể hiện tản mạn ở rất nhiều luật khác nhau như Luật Tiêu chuẩn kĩ thuật, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo… chưa kể đến rất nhiều quy định hướng dẫn triển khai khác”.
Tuy vậy, để xử lý triệt để vấn đề ATVSTP không phải dễ vì theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế: “Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm của chúng ta chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Cả nước có khoảng 10 triệu hộ nông dân, nhà nào cũng trồng rau nuôi gà, thả cá, trồng lúa, sử dụng không hết thì bán ra thị trường; có gần 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm thì đến 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế. Đây là mô hình đã tồn tại hàng trăm năm, không dễ vì vấn đề ATTP mà chúng ta dẹp bỏ ngay được, mà phải vận động dần dần”.
Một khó khăn khác nữa liên quan đến năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu, dưới góc độ của một doanh nghiệp trong ngành, ông Micheal Louis Rosen, Phó Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Thống Nhất, cho rằng: “Cái khó của nhiều doanh nghiệp không phải nằm ở chất lượng sản phẩm, mà là vấn đề marketing. Nhiều doanh nghiệp cần phải tái định vị lại thương hiệu, thiết kế lại hình ảnh, phủ rộng hình ảnh trên thị trường, tiến hành thử nghiệm sản phẩm và hướng đến sự đồng nhất về nhãn hiệu”.
Ông Rosen lấy ví dụ từ Vinatea trước đây chủ yếu sản xuất nguyên liệu chè thô, các hộ gia đình thu hoạch chè xong chỉ bọc túi ni lông rồi bán lại, không hề có thương hiệu, nhãn mác, các khâu quảng bá sản phẩm đều không được đầu tư đúng mức.
Phương Nguyên
Ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Làm thế nào để tận dụng được cơ hội trong TPP để đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm, hàng nông sản; làm thế nào để hàng nông sản Việt Nam cạnh tranh được với các quốc gia khác? Tôi cho rằng vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi Việt Nam cải thiện triệt để về công nghệ; kiểm soát được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; cải cách thể chế để tạo ra được những vùng nông nghiệp lớn. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại vấn đề sản xuất nông nghiệp, mà doanh nghiệp, HTX phải đóng vai trò quan trọng nhất trong chuỗi giá trị sản xuất này. Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Việt Nam có rất nhiều thế mạnh trong xuất khẩu lương thực thực phẩm, hàng nông sản. Nhiều mặt hàng của ta đứng trong nhóm đầu các nước xuất khẩu trên thế giới như hồ tiêu, cà phê, gạo, chè…Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa có một nền công nghiệp thực phẩm phát triển, tận dụng được các ưu đãi từ các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản, thủy hải sản. Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật trên nông sản là nguyên liệu chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao. Hàng năm, chúng ta có chương trình giám sát chủ động, tiến hành lấy hàng chục nghìn mẫu thực phẩm tại các vùng miền khác nhau, kết quả cho thấy tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trên rau củ quả vẫn chiếm khoảng 3-5%, trong khi các nước khác chỉ khoảng 2%. |