Có một điều trái khoáy hiện nay là tình trạng thực phẩm nhập như rau, củ, quả, gạo, thịt, cá, hoa quả của Trung Quốc, các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, các nước châu Âu... vào Việt Nam khá dễ dàng. Trong khi đó, thực phẩm Việt khi ra thị trường quốc tế lại vấp phải nhiều khó khăn, trở ngại.
Con số tăng trưởng trở lại của nhóm hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu trong nửa đầu năm nay làm nhiều người nghĩ rằng thực phẩm Việt xuất ngoại cũng được “ăn theo”. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng 16,7% với kim ngạch xuất khẩu đạt 12,1 tỷ USD.
Thiếu tư duy thị trường
Trong đó nổi bật là sự tăng trưởng cao của nhóm rau quả (tăng 43,5%) và thủy sản (tăng 16,7%) với kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ, tuy nhiên gạo mới là mặt hàng xuất khẩu chủ lực có sự gia tăng xuất khẩu trở lại.
Song, với 90% nông sản được xuất bán dưới dạng thô, tỷ lệ chế biến thấp cũng đồng nghĩa giá trị mang lại cho ngành thực phẩm chế biến từ nông sản khá khiêm tốn và vị trí, thương hiệu của thực phẩm chế biến “made in Việt Nam” vẫn còn hạn chế trên thị trường quốc tế.
Nói như ông Leon Trujilo, chuyên gia thương hiệu của Tổ chức Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI), người tiêu dùng thế giới vẫn chưa biết nhiều đến các thương hiệu thực phẩm Việt dù Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu nhiều loại nông sản, thủy sản cho thế giới.
Cuối tuần qua, khi trao đổi với DN thực phẩm tại Tp.HCM xoay quanh vấn đề thực phẩm Việt xuất ngoại sang khu vực ASEAN do Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT công ty Retail & Franchise Asia, chuyên gia lĩnh vực bán lẻ, cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia, cũng đã lưu ý những bất cập này và trong vấn đề tiếp cận thị trường.
![]() |
Các DN thực phẩm Việt cần có tầm nhìn rộng hơn về thị trường khu vực
Theo bà Vân, dù có đi làm cả trăm hội chợ mà tư duy tiếp cận thị trường không thay đổi, DN thực phẩm Việt sẽ mãi quanh quẩn ở trong nước mà không xuất khẩu và thâm nhập nổi thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới.
Điều đó đòi hỏi DN phải có tư duy về thị trường khu vực và sau tư duy đó, cần làm chiến lược kế hoạch. Chẳng hạn với mặt hàng gạo, duy nhất có thương hiệu Gạo Cỏ May là thâm nhập vào thị trường Singapore nhưng cũng chỉ mới dừng ở đó mà chưa thể đi xa hơn ngay trong ASEAN.
Trong khi đó, để đứng được ở thị trường đảo quốc sư tử là cả một chặng đường đầy gian nan khi Cỏ May đã chọn gạo Nosavina – một sản phẩm mà DN phải bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng thương hiệu từ năm 2008 – nhưng thương hiệu này ngay từ ban đầu đã gặp thất bại do vướng mắc về nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ.
Cần tầm nhìn rộng
Ông Phạm Minh Thiện – Giám đốc công ty TNHH Cỏ May – chia sẻ: “Phải “năm lần bảy lượt” bay đi bay lại giữa Việt Nam và Singapore để tìm kiếm một hướng đi mới, cuối cùng, chúng tôi đã quyết định xây dựng thương hiệu gạo mang chính tên công ty. Sau khi đáp ứng đầy đủ các quy định khắt khe từ phía siêu thị, mãi tới năm ngoái, gạo Cỏ May mới chính thức được lên kệ tại Singapore.
Và để đứng được ở thị trường này, DN thành lập công ty tại Singapore, tuyển nhân viên là người bản địa vì chỉ họ mới hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng địa phương như thế nào, đối tác nào là tiềm năng.
Do đó, theo bà Vân, các DN thực phẩm nên có tầm nhìn rộng hơn về thị trường khu vực. Cụ thể, các DN cần thu thập dữ liệu về chi tiêu hộ gia đình, tỷ lệ phát triển về thu nhập của các quốc gia trong khu vực như ai dùng nhiều, thị trường nào phát triển tốt, nên suy nghĩ đến quốc gia nào mình sẽ thâm nhập.
Ngay cả chuyện đi tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế của các DN nội địa cũng nên lưu ý. Triển lãm ở nước ngoài là một kênh để DN xúc tiến quảng bá thương hiệu nhưng vấn đề không phải ta chọn triển lãm nào mà ta chọn thị trường nào, lúc nào mà thôi.
Quan trọng là DN đã có “bản đồ” để bước ra khu vực chưa, khi nào sẽ thâm nhập và DN đã hiểu nhu cầu người tiêu dùng của nước họ để ưu tiên nên thâm nhập thị trường nào trước.
Chẳng hạn, với thị trường Thái Lan, nếu DN Việt muốn tiếp cận thị trường này, vậy câu hỏi đặt ra là DN đã hiểu gì về thị trường Thái Lan. Nếu tiếp cận, nên bắt đầu từ khu vực nào, tại sao như thế, tiếp theo là thành phố nào, vị trí nào,… vì khi tìm đối tác, chúng ta phải biết tìm tại đâu và đâu là các đối tác tốt nhất mà chúng ta cần tìm ra.
Một khi muốn thâm nhập thị trường Thái Lan, DN hãy khoanh vùng thành phố và các vùng ở Thái Lan mà DN cần làm thị trường. Hơn nữa, DN cũng phải tìm hiểu đối thủ cạnh tranh của mình ở Thái Lan là ai, như thế nào, mạnh ở đâu… DN Việt phải biết rõ những điều này mới chuẩn bị được chiến lược thâm nhập tốt, nhất là khi DN còn hạn chế về vốn, cần phải chọn cách làm phù hợp.
Thế Vinh