Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm nay, riêng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 10% do xuất khẩu dầu thô sang thị trường này giảm mạnh, cho dù ASEAN vẫn được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay.
Giảm tốc hai con số
Trước khi AEC chính thức có hiệu lực, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng kết quả hoạt động giao thương lại không khả quan. Cụ thể, xét riêng 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường của ASEAN giảm mạnh, trong đó giảm sâu như như Singapore giảm 38,3%, Malaysia giảm 25,4%, Campuchia giảm 12%, Indonesia giảm 11,6%….
Việc Tổng cục Thống kê công bố xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 10% do xuất khẩu dầu thô sang thị trường này giảm mạnh cũng không phải là điều bất ngờ. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 24,6 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là EU đạt 21,9 tỷ USD, tăng 8,8%; Trung Quốc đạt 12,6 tỷ USD, tăng 15%; Nhật Bản đạt 9,3 tỷ USD, tăng 0,2%; Hàn Quốc đạt 7 tỷ USD, tăng 30,7%.
Đây cũng là thực tế đã diễn ra nhiều năm nay, thương mại với ASEAN đã có sự chuyển dịch theo xu hướng giảm khá nhanh về tỷ trọng trong cả xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam, mặc dù tăng về số tuyệt đối.
Năm 2015, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN lần lượt là 18,16 tỷ USD và 23,83 tỷ USD. Tỷ trọng của thị trường ASEAN trong xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ 18,30% năm 2012 xuống 14,39% năm 2015 và tỷ trọng trong nhập khẩu giảm từ 15,22% xuống 11,20%.
Điều này cho thấy, hoạt động thương mại Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu, dường như vẫn tiếp tục chuyển hướng sang các đối tác thương mại lớn ngoài ASEAN như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trước năm 2010, ASEAN là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất, chiếm tỷ trọng trên 20% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, ASEAN là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ ba của các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ sau thị trường Hoa Kỳ và thị trường các nước thành viên Liên minh châu Âu – EU. Còn ở chiều ngược lại, ASEAN là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ hai cho các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc.
![]() |
Kể từ năm 2010 đến nay, với sự phát triển mạnh của hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, ASEAN trở thành đối tác lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc). Về xuất khẩu, ASEAN là thị trường lớn thứ ba của các doanh nghiệp Việt Nam (sau Hoa Kỳ và EU). Ở chiều ngược lại, ASEAN là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ ba cho các doanh nghiệp Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).
Nguyên nhân gì khiến hàng hóa của Việt Nam khó thâm nhập thị trường ASEAN. Bằng chứng là đối với thị trường Thái Lan, hồi đầu tháng 7, Central Group và Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức hội chợ hàng Việt Nam tại Bangkok. Các sản phẩm bày bán tại đây như đồ gỗ, may mặc, vải thiều, thanh long, thậm chí cả khoai lang Việt Nam, đã làm nhiều người tiêu dùng Thái rất thích.
Cơ hội biến thành mối lo
Hay khoảng giữa tháng 8, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thái Lan, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok phối hợp với Hội đồng Thương mại Thái Lan – Việt Nam tổ chức một hội chợ hàng Việt tại Thái Lan với những sản phẩm như cà phê, đồ điện dân dụng, khóa Việt Tiệp, đèn Điện Quang, bia Sài Gòn… Hàng hóa Việt Nam cũng rất được ưa thích.
Nhưng thực tế, cán cân thương mại lại đang nghiêng về Thái Lan, khi mà năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 11,46 tỷ USD, tăng 8,3% so năm 2014. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan chỉ đạt 3,18 tỷ USD, giảm 8,6% và kim ngạch nhập khẩu đạt tới 8,28 tỷ USD (tăng 16,8%), nhập siêu khoảng 5 tỷ USD.
Thực tế này đã được chính Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thừa nhận. Thứ trưởng Khánh cho biết, tình trạng hiện nay của Việt Nam là do những thỏa thuận khi ký kết các điều khoản trong khuôn khổ thị trường ASEAN hay ASEAN + là không mang lại lợi ích rõ rệt cho Việt Nam như đã kì vọng. Các đối tác trong khối đều có cơ cấu kinh tế trùng lặp và mang tính chất cạnh tranh nhiều hơn là bổ sung cho Việt Nam, vì thế gây ra tình trạng kinh tế không mấy khả quan như hiện nay của Việt Nam.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng lỗi một phần cũng là do nhiều DN Việt còn nặng tư tưởng thụ động. “Doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta quen bán tại cầu cảng, mua tại cầu cảng. Tức là mua thì người ta mang tới tận cửa, không có nhu cầu tìm kiếm tận nguồn hàng nên không quan tâm nhiều tới việc cắt giảm thuế. Bán thì thường bán hàng cho một thương nhân tới tận Việt Nam mua hàng nên câu chuyện nước ngoài giảm thuế cho mình ra sao cũng chưa quan tâm lắm”, Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng từng cho rằng điều này khiến các cơ hội từ ASEAN chưa được tận dụng hết, trong khi những thách thức từ gia tăng nhập khẩu, cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp ASEAN tại thị trường Việt Nam đã hiện hữu.
Chưa kể tới mối lo ngại rằng Việt Nam sẽ là vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước ASEAN. Trong khối ASEAN, Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Malaysia, Singapore và Thái Lan, trong khi chỉ thặng dư với Lào, Campuchia, Myanmar vài chục triệu USD.
Vậy nên, khả năng đạt tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2016 là thách thức lớn, đồng thời cho thấy rằng việc tập trung “đánh bắt xa bờ” ở các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đang không đủ bù đắp sự sụt giảm từ thị trường ASEAN, chứ chưa nói tới hàng hóa Việt Nam sẽ bị cạnh tranh ngay trên sân nhà từ chính hàng hóa các nước trong khu vực.
Ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ ------------------------------- AEC là thỏa thuận về một thị trường thống nhất, nhưng mới mấy tháng gia nhập, Việt Nam đang trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hoá của khu vực. Thái Lan đã kịp soán ngôi Trung Quốc, Hàn Quốc, trở thành nhà xuất khẩu ôtô nhiều nhất vào Việt Nam. Ấn Độ đang là đối thủ tiềm năng. Ts. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Lê Thúy