Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030, sẽ trình Chính phủ trong quý IV/2020. Dự thảo đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới.
Gỡ khó cho doanh nghiệp đầu tư
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả đạt 8-10 tỷ USD, trong đó rau quả chế biến đạt 30% trở lên, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch mỗi năm từ 1-1,5%. Trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến, công suất chế biến rau quả đạt 1 triệu tấn sản phẩm/năm.
Đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu rau quả kỳ vọng đạt 8-10 tỷ USD. |
Để trở thành một trong 5 nước XK rau quả hàng đầu thế giới, Việt Nam buộc phải vượt qua Trung Quốc (đứng vị trí thứ 6), Chile (đứng vị trí thứ 5) hoặc có thể phải vượt lên trên 4 quốc gia đang dẫn đầu về XK rau quả gồm: Mỹ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Mexico.
Bình luận về mục tiêu trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho rằng Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp nên ngành rau quả hoàn toàn có thể thực hiện mong muốn trên. Rau quả Việt Nam đang có lợi thế như sản phẩm cho thu hoạch quanh năm, hương vị đặc trưng và đặc biệt Việt Nam đã tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tư do như CPTPP, EVFTA, RCEP... Đây là những điều kiện thuận lợi để XK rau quả Việt Nam ra thế giới.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, đại diện Vina T&T cũng chỉ ra những bất lợi mà ngành rau quả Việt Nam đang gặp phải. Đó là nguyên liệu không đồng đều chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đạt yêu cầu tối đa của thế giới, giá thành rau quả tươi khó cạnh tranh với các đối thủ nếu cùng vụ thu hoạch, công nghệ bảo quản kém nên chủ yếu vẫn XK thô....
Về kế hoạch của DN, ông Tùng cho biết, trong thời gian tới Vina T&T sẽ tập trung vào lĩnh vực chế biến rau quả, thay vì chủ yếu XK tươi như hiện nay. Đầu tư công nghệ, xây dựng vùng trồng, đào tạo kỹ thuật trồng trọt cho nông dân hướng tới đạt trình độ sản xuất cao để cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác là mục tiêu mà DN đang hướng tới.
"Khó khăn của DN gặp phải hiện nay khi xây dựng một nhà máy là quỹ đất hạn hẹp, công nghệ chế biến phụ thuộc nhập khẩu, vùng nguyên liệu nằm rải rác", ông Tùng chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc công ty CP Vinamit cũng cho rằng để rau quả thu về 10 tỷ USD XK mỗi năm, chúng ta phải chuyển đổi canh tác sạch, tạo điều kiện cho nông dân tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hỗ trợ lãi suất cho DN đầu tư vào nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông sản.
Vấn đề của ngành chế biến hiện nay chính là nguyên liệu đạt chất lượng, đặc biệt là chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm chế biến không thể làm mất đi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn tại trong quá trình canh tác, thậm chí hàm lượng còn cao hơn do sản phẩm được sấy, cô đặc...
Mở rộng diện tích sản xuất an toàn
Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước có trên 1 triệu ha cây ăn quả, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu liên tục và rất đều đặn. Nếu như năm 2012, XK mới chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, thì đến năm 2019 đã XK đạt khoảng 3,7 tỷ USD, năm nay nếu không có dịch COVID-19 thì ngành hàng rau quả XK chắc chắn sẽ đạt con số trên 4 tỷ USD.
Trong 3 năm gần đây, các DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến bảo quản trái cây tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước đó. Trong đó, các DN đầu tư vào lĩnh vực thu mua chế biến rau quả tăng mạnh, hiện nay có đến 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ, đồng thời có khoảng 156 nhà máy chế biến hiện đại theo công nghiệp.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì vẫn chưa đạt, hiện tất cả các loại sản phẩm trái cây chế biến XK mới chỉ dừng khoảng 15%, còn 85% vẫn là giá trị xuất tươi cho nên dư địa còn rất lớn.
"Không ai đánh thuế giấc mơ" - là câu nói của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khi đánh giá về mục tiêu vào tốp 5 thế giới của ngành này. Theo ông, để làm được điều này, Việt Nam phải có chính sách thu hút đầu tư của DN vào chế biến rau quả, phát triển công nghệ chế biến hiện đại, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà DN đang gặp phải hiện nay như về đất đai, vốn...
Đặc biệt, ngành rau quả cần phải mở rộng diện tích sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn ngay từ bây giờ. Nhu cầu thị trường ngày càng cao, đòi hỏi sản phẩm sạch, an toàn tuyệt đối và bổ dưỡng cho sức khoẻ người dùng. "Có nhà máy chế biến mà không có vùng nguyên liệu thì cũng thành vô nghĩa", ông Nguyên nói.
Theo khuyến cáo mới đây từ Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, để XK sang thị trường EU, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Đối với các nhà XK rau quả, điều quan trọng là phải đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về một sản phẩm lành mạnh. DN phải cung cấp một sản phẩm sạch, bền vững và không có thuốc trừ sâu. Chứng nhận hữu cơ có thể là một điểm cộng.
Bên cạnh đó, trái cây đặc trưng trông bắt mắt hơn khi bao bì cải tiến. Với sự cải tiến trong công nghệ xử lý và đóng gói, thời hạn sử dụng đang được kéo dài và vận chuyển đường biển giúp trái cây đặc trưng trở nên ngon hơn.
Từ thực tế quá trình đàm phán mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng rau quả, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho hay: Việt Nam cần phải tổ chức sản xuất nông nghiệp một cách bài bản theo chuỗi giá trị. Sản xuất nông nghiệp sạch phải đi kèm với vật tư đầu vào, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều thuộc danh mục được phép sử dụng. Có như vậy, rau quả Việt Nam mới mở rộng được thị trường XK.
Ông Nguyễn Xuân Cường Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Ngành hàng rau quả của Việt Nam đang còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Để tận đụng được cơ hội, cần mở rộng các mô hình liên kết đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở DN làm nòng cốt, tập trung các yếu tố đầu vào áp dụng khoa học - công nghệ từ khâu giống, tổ chức sản xuất cho đến khâu chế biến và mở rộng thị trường thương mại. Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tạo điều kiện để DN chế biến rau quả mở rộng nhà máy chế biến sâu, đồng thời đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường XK. Ông Trần Quốc Toản Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Ngoài việc tìm kiếm thị trường, mối liên quan giữa nhà máy chế biến trái cây và vùng nguyên liệu là 2 vấn đề không thể tách rời. Bộ Công Thương đề nghị các địa phương sản xuất trái cây rà soát quy hoạch theo hướng chuyên canh hiện đại. Xác định cụ thể diện tích, phân bổ từng khu vực trên địa bàn, khuyến cáo nông dân chuyển hướng sang sản xuất trái cây chất lượng, theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn mà nhà nhập khẩu đưa ra. GS.TS Nguyễn Quốc Vọng Đại học RMIT (Úc) Sau đại dịch, chắc chắn thế giới sẽ thay đổi, phải sắp đặt lại để đi vào một trật tự mới. Không chỉ quan điểm về chất lượng thực phẩm, mà vị trí trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm, dược phẩm cũng sẽ thay đổi. Đây là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam tạo lập vị thế mới. Riêng với ngành trái cây, Việt Nam có lợi thế về chế biến trái cây và rau quả, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới như sầu riêng, mít, xoài, chanh leo... Tuy nhiên, nông dân Việt Nam cần phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định mang tính quốc tế, phải tự xem mình là người sản xuất nông sản và thực phẩm có trách nhiệm. |
Lê Thúy