Bộ Công Thương cho biết, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, tăng trưởng XK ở hầu hết các mặt hàng XK chủ lực. Cả nước có 24 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, trong đó nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2015.
Tỷ lệ nội địa hóa một số ngành được nâng cao như điện thoại di động, dệt may… mang lại kết quả XK tương đối khả quan so với các năm trước. Tuy nhiên, Bộ Công Thương thừa nhận, giá trị gia tăng nhiều nhóm ngành hàng như nông sản, thủy sản, điện tử gia dụng, điện tử công nghệ cao… vẫn còn thấp.
Xuất khẩu nhiều, Giá trị thấp
Nói về thực trạng này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, chia sẻ đây là thực tế đang tồn tại, như XK cà phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới nhưng thế giới không biết cà phê đó của Việt Nam. Cà phê bán ra ở châu Âu với giá hàng trăm nghìn/kg trong khi người nông dân Việt Nam chỉ thu về 3.000 – 4.000 đồng/kg.
Đánh giá thực trạng giá trị gia tăng một số ngành hàng XK, ông Hải cho biết, về giá trị gia tăng, XK nông, thủy sản phần lớn ở dạng thô hoặc sơ chế, tỷ lệ sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm còn cao. Một số ngành hàng do thiếu nguồn nguyên liệu trong nước, phải nhập khẩu để chế biến, sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu tại thị trường nước ngoài.
Giá trị gia tăng XK của một số ngành công nghiệp cũng không khá hơn, vẫn tiệm cận ở mức thấp. Cụ thể, giá trị gia tăng ngành điện tử gia dụng là 30 – 35%; linh kiện, ô tô – xe máy khoảng 40%, chủ yếu cho sản xuất xe máy; điện tử tin học viễn thông khoảng 5%; da giày tỷ lệ nội địa hóa hiện chỉ đạt 40 – 45%. Do chất lượng thấp và không có thương hiệu, phần lớn giá trị hàng hóa XK Việt Nam buộc phải duy trì giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh.
Theo ông Hải, đối với sự cần thiết về phát triển XK, tăng sản lượng không phải là phương thức bền vững do tiêu tốn tài nguyên, năng lượng; năng lực sản xuất rồi sẽ đến ngưỡng, không thể mãi tăng sản lượng.
Phân tích nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Nam – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh – cho biết khâu đầu tiên tạo ra giá trị gia tăng là sản xuất, chúng ta đã không làm được.
“Ngày trước có nhiều giống tốt nhưng không nghiên cứu nên hiện nay bị lụi tàn. Trong khi đó, khâu chăm sóc thu hoạch bị hao hụt tới 20% giá trị. Khâu này chủ yếu các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu phải làm nhưng chưa làm được”, ông Nam cho biết.
Tiêu thụ và chế biến còn rất yếu. Theo Hiệp hội Cà phê, Việt Nam bán cà phê nhiều nhưng chỉ bán được 2 USD/kg. Qua nước ngoài, sơ chế xong, người ta bán tới 200 USD/kg. Gạo cũng vậy, Việt Nam chỉ bán được 200 USD/tấn, còn nước khác bán 800 USD/tấn.
“Vì sao lại thế? Vì chúng ta chưa có các DN XK chế biến chất lượng cao. Cho đến giờ, hệ thống bán nông sản trong nước và ngoài nước chưa cải tiến, chủ yếu bán tiểu ngạch. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất giá trị, thu nhập thấp cho người nông dân và nhà sản xuất Việt Nam”, ông Nam đánh giá.
Cũng theo ông Nam, làm ra sản phẩm nhưng không nắm được thị trường tiêu thụ sẽ thất bại, phải bán với giá rẻ. Muốn nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản XK, phải cải cách hệ thống thương mại trước tiên.
Chúng ta không thể bằng lòng với thương mại nhỏ lẻ vì nó gây tổn thất rất lớn cho người nông dân và người tiêu dùng. Vì vậy, cần tạo nên những tập đoàn thương mại lớn, phải có thương hiệu của các DN thương mại, khi đó hàng hóa mới đem lại giá trị cao.
“Những ngành XK của Việt Nam hiện nay phần lớn đều là những ngành có nhiều lao động, việc làm, định hướng XK phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, DN FDI chi phối, tăng trưởng XK ngày càng giảm… Điều này cho thấy phần lớn hàng XK của Việt Nam, giá trị cơ bản do người mua chi phối mà không phải nhà sản xuất chi phối”, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định.
![]() |
Hàng hóa XK Việt Nam vẫn bị xếp ở đẳng cấp thấp, ít người biết tới.
Doanh nghiệp cần bình đẳng
Cho rằng để phát triển lâu dài và bền vững, DN phải có định hướng rõ ràng, ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty CP Cao su Hà Nội, đưa ra ví dụ: đối với các DN ngành da giày, thay vì chúng ta xây dựng thương hiệu riêng để cạnh tranh với các DN toàn cầu như Adidas hay Nike, chúng ta có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của họ. Xây dựng thương hiệu của nhà sản xuất mà không phải xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Tuy nhiên, bằng cảm nhận của mình, ông Việt nhận định, chính sách Nhà nước hiện nay chưa đồng bộ. “Chúng tôi đề nghị Nhà nước hãy nhìn DN Việt Nam bình đẳng với DN nước ngoài”, ông Việt kiến nghị.
Đồng quan điểm với ông Việt, ông Nam cũng cho rằng muốn thay đổi, phải bắt đầu từ DN bởi nếu không có DN, không có bà đỡ cho nông dân. Theo ông Nam, lâu này chúng ta mãi loay hoay trong “4 nhà”, vậy ai là chủ đạo, tôi cho rằng không phải ngân hàng hay Nhà nước mà chính là DN, nếu DN không làm, không ai làm được. Nhà nước chỉ hỗ trợ, không thể “thò tay” vào làm.
“Vấn đề không phải chỉ chính sách hỗ trợ mà còn là chính sách công bằng, phải tạo được hệ thống thương mại lớn mạnh, chúng ta mới đẩy mạnh được hoạt động XK”, ông Nam nói.
Ông Võ Trí Thành cũng đồng tình rằng môi trường quan trọng nhất đối với DN là phải cạnh tranh, không cần hỗ trợ, “đúng nghĩa của nó là phải cạnh tranh”, ông Thành nhấn mạnh.
Dưới góc độ người làm chính sách, đại diện cơ quan Nhà nước, ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – phân trần rằng quan điểm của Chính phủ là luôn xác định tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng, thực tế đã và đang xóa đi rất nhiều bất bình đẳng, từ văn bản quy phạm pháp luật cho đến các hỗ trợ thiết thực khác.
“Một loạt hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua, các dự án tiêu biểu phần lớn đều là những dự án của DN Việt Nam. Đó là thực tế, nhưng tôi cũng đồng tình rằng có lẽ còn đâu đó trong một vài lĩnh vực vẫn diễn ra sự bất bình đẳng. Không phải do chính sách mà vì nhiều lý do xuất phát từ năng lực thực tế của DN”, ông Sơn nói.
Lê Thúy
Ông Đỗ Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Bức tranh XK trong thời gian tới là điều mà hiện nay cả DN, Chính phủ đang thận trọng, một mặt duy trì tăng trưởng XK bền vững, một mặt phải đẩy nhanh. XK bên cạnh việc đem lại ngoại tệ cho đất nước, thay đổi bộ mặt, vấn đề môi trường cũng cần được bảo vệ. Đồng thời, bên cạnh việc duy trì về chiều rộng, cần đề cập chiều sâu, bền vững, không ảnh hưởng đến các yếu tố phát triển lâu dài. Ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế Trong lịch sử phát triển của Việt Nam, cả những DN vươn lên phát triển dài hạn, bền vững thì gốc của nó phải chấp nhận cạnh tranh – cạnh tranh là máu thịt, là trái tim của kinh tế thị trường. Bây giờ, chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh là động lực. Không phải là lựa chọn người có khả năng thắng lợi mà cần hỗ trợ kẻ đã chiến thắng. Chơi với cạnh tranh, chứng minh mình cạnh tranh được thì sẽ chiến thắng và được hỗ trợ. Ông Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Tôi muốn nói tới câu chuyện đẳng cấp về hoạt động xúc tiến XK, chúng ta đang ở đẳng cấp thấp, cần vươn lên. Vươn lên cần bắt đầu từ đâu. Kể cả nông nghiệp và công nghiệp (công nghiệp XK bằng gia công, nông nghiệp về cơ bản cũng là gia công). Do đó, phải thay đổi đẳng cấp từ lãnh đạo, quản lý, không phải từ DN, phải đi từ tư duy và thể chế. |