Ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc công ty TNHH Minh Phát 2, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), đưa ra dự báo xuất khẩu (XK) đồ gỗ nội thất vào thị trường Mỹ trong năm 2020 chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng khoảng 30%.
Cán mốc 11 tỷ USD
XK đồ gỗ của Việt Nam vào các thị trường chủ lực khác cũng sẽ tăng, nhưng nếu so với thị trường Mỹ thì tốc độ tăng sẽ chậm hơn. Do đặc tính tiêu dùng của người Mỹ luôn là điểm hút về mặt thị trường của tất cả các ngành hàng, trong đó có ngành nội thất.
Với tình hình XK khả quan từ đầu năm đến nay, ông Hiệp nhận định kim ngạch XK đồ gỗ năm 2019 sẽ cán mốc 11 tỷ USD. Điều quan trọng là nguồn nguyên liệu nhập khẩu để chế biến gỗ hiện chỉ chiếm 20%. Việc tự cung được nguồn nguyên liệu đến 80% đã giúp cho giá trị gia tăng của XK ngành nội thất Việt hiện rất cao và có mức xuất siêu lớn.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề buổi họp báo ở Tp.HCM nhằm giới thiệu Triển lãm nội thất quốc tế Việt Nam (VIFF 2019), Chủ tịch BIFA cho rằng ngành nội thất Việt đang nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ khi mà nguồn ngoại tệ dồi dào thu được từ XK vẫn “nằm” lại Việt Nam.
Điều này khác xa với không ít lĩnh vực sản xuất khác có kim ngạch XK có thể rất nhiều nhưng cũng tỷ lệ thuận với nguồn ngoại tệ lớn “chảy ngược” ra nước ngoài do còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Hiện nay, với khoảng 4.700 doanh nghiệp (DN) đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ, Việt Nam đang đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 ở châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch XK.
Việt Nam được cho là đang chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn rất nhiều dư địa để phát triển. Đặc biệt là khi có nhiều DN trong ngành với nguồn vốn lớn, có năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ mới, nên bước đầu đã phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tại Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, số liệu thống kê cho thấy giá trị XK gỗ và lâm sản có mức tăng trưởng ổn định 17 – 19% qua các tháng. Trong đó, gỗ tăng 10,6% và sản phẩm gỗ tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này là do các đơn hàng từ những thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản và EU tăng cao và ổn định.
Hơn thế nữa, một số mặt hàng có giá bán XK cao hơn như dăm gỗ đạt trung bình 137 USD/tấn, tăng khoảng 10 USD/tấn so với năm 2018, đã đưa giá trị XK dăm gỗ tăng hơn 26,2% so với cùng kỳ.
Với đà tăng trưởng mạnh như hiện nay và còn nhiều dư địa phát triển, giới chuyên gia dự báo kim ngạch XK đồ gỗ của Việt Nam năm 2020 có thể đạt 12 – 13 tỷ USD và đến năm 2025 đạt 18 – 20 tỷ USD.
XK đồ gỗ đang có sự vươn lên từ khối DN nội |
Khối nội vươn lên
Điều quan trọng là các DN nội trong ngành gỗ cần từng bước tăng tỷ trọng XK sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch XK.
Có thể nói, đây là thời điểm có nhiều cơ hội tốt cho các DN gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Nguyên nhân là ngành gỗ Việt đang có lợi thế cạnh tranh từ việc triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, điển hình như FTA Việt Nam – EU (EVFTA).
Một vấn đề được đặt ra là với lĩnh vực XK đồ gỗ đang được ví như “mỏ vàng” thì tầm ảnh hưởng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là như thế nào, khả năng thực sự của các DN nội địa hiện nay ra sao?
Theo chia sẻ của ông Điền Quang Hiệp, các DN FDI tuy chỉ chiếm tỷ lệ 15% tổng số DN ngành đồ gỗ nội thất, nhưng doanh số lại chiếm đến 50%.
“Điều này cho thấy các DN FDI trong ngành gỗ phát triển rất mạnh so với DN nội địa. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu thống kê theo quá trình thì mới thấy DN Việt trong ngành gỗ đang vươn lên khi hiện nay đã chiếm được 50% tổng kim ngạch XK đồ gỗ so với tỷ lệ trước đây chỉ vào khoảng 10 – 20%”, ông Hiệp chia sẻ.
Để tăng hơn nữa lợi thế cạnh tranh, điều quan trọng là các DN nội địa trong ngành gỗ cần sớm giải quyết những vấn đề nội tại từ việc gia tăng năng suất, tư duy lại sản xuất, đầu tư công nghệ mới, thu hút nguồn lao động… để có thể đón nhận thêm nhiều đơn hàng mới.
Trong bối cảnh tăng trưởng nóng và quá nhanh của ngành gỗ Việt khi có rất nhiều đơn hàng lớn, có thể thấy thách thức lớn với ngành gỗ Việt hiện nay là phải đối mặt với tình trạng dịch chuyển sản xuất từ một số quốc gia khác vào Việt Nam.
Mặt khác, đó còn là sự tăng trưởng nóng của từng DN trong ngành. Chẳng hạn, khi cơ hội thị trường đang mở bung ra thì DN đồ gỗ sẽ mở rộng quy mô sản xuất chế biến, dẫn tới phải thu hút thêm lực lượng lao động.
Khi một loạt DN cùng đồng loạt gia tăng quy mô trong thời gian ngắn thì vấn đề thiếu hụt lao động lại là nỗi lo lớn, khiến các DN trong ngành quay ra cạnh tranh với nhau trong việc thu hút nguồn lao động. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nhân công có thể buộc các DN ngành gỗ phải tăng năng suất lao động để bù đắp cho sự thiếu hụt này.
Thế Vinh